Bài toán an ninh từ vụ tiến công Charlie Hebdo

Vừa qua tại Thủ đô Paris, Chính phủ và người dân Pháp đã tổ chức lễ tưởng niệm 5 năm (7-1-2015 - 7-1-2020) ngày xảy ra vụ tiến công tuần báo trào phúng Charlie Hebdo. Cái chết của 17 người trong vụ xả súng đã gây rung động không chỉ nước Pháp mà trên toàn thế giới. Và sự kiện bạo lực này cũng là hồi chuông cảnh báo Chính phủ Pháp cũng như nhiều quốc gia châu Âu về nguy cơ mất an ninh.

Nơi tưởng niệm các nạn nhân trong vụ tiến công tòa báo Charlie Hebdo. Ảnh: CHICAGO TRIBUNE
Nơi tưởng niệm các nạn nhân trong vụ tiến công tòa báo Charlie Hebdo. Ảnh: CHICAGO TRIBUNE

“Tôi là Charlie”

Tạp chí Charlie Hebdo bắt đầu xuất bản vào năm 1970 với mục đích châm biếm các chủ đề liên quan tôn giáo, chính trị và một số vấn đề xã hội khác. Cái tên “Charlie Hebdo” lấy cảm hứng từ nhân vật Charlie Brown trong phim hoạt hình nổi tiếng “Peanuts”, trong khi đó Hebdo là viết tắt của hebdomadaire, nghĩa là “hằng tuần” trong tiếng Pháp. Mặc dù tạp chí này đã trở nên nổi tiếng về việc châm biếm nhiều tổ chức và cá nhân, nhưng một thống kê của tờ Le Monde cho thấy, tạp chí Charlie Hebdo quan tâm nhiều đến nền chính trị ở Pháp hơn là tôn giáo. Theo đó, tạp chí chỉ dành 1,3% số lượng trang bìa có chủ đề liên quan Hồi giáo trước khi xảy ra vụ tiến công vào năm 2015.

Mặc dù vậy, nguyên nhân thực tế dẫn tới vụ xả súng đã phát sinh từ trước đó. Vào tháng 2-2006, Charlie Hebdo in lại tranh biếm họa nhà tiên tri Muhammad thiêng liêng của người theo Hồi giáo, từng xuất hiện ở tạp chí Jyllands-Posten (Đan Mạch). Những mô tả trực quan như vậy về nhà tiên tri đã bị đạo Hồi nghiêm cấm. Lập tức, Hiệp hội những tổ chức Hồi giáo tại Pháp cũng như Liên hiệp Hồi giáo thế giới đã khởi kiện tờ báo vì những cáo buộc kích động phân biệt chủng tộc và thù hận chống lại người theo đạo Hồi. Tuy nhiên, đơn kiện đều bị bác bỏ ở tòa sơ thẩm lẫn phúc thẩm.

Đến ngày 2-11-2011, các phòng làm việc của tòa soạn Charlie Hebdo đã bị phá hủy trong một cuộc tiến công bằng bom xăng sau khi tạp chí phát hành số đặc biệt và tiếp tục đề cập tới nhà tiên tri Muhammad. Kể từ đó, trụ sở của tờ báo thường nhận được những lời đe dọa nặc danh. Bởi vậy, sau năm 2009, tòa soạn và những người giữ vai trò biên tập viên của Charlie Hebdo thường xuyên được các cơ quan an ninh bảo vệ.

Tuy nhiên, vào 11 giờ 30 phút ngày 7-1-2015, văn phòng của Charlie Hebdo vẫn trở thành mục tiêu chính của cuộc tiến công do Chérif và Saïd Kouachi, hai anh em người Pháp gốc Algeria ủng hộ tổ chức khủng bố al-Qaeda, thực hiện. Vụ xả súng đẫm máu tại tòa soạn Charlie Hebdo đã khiến 12 nạn nhân tử vong và khởi đầu chuỗi các sự kiện bạo lực xảy ra từ ngày 7-1 đến ngày 9-1 do đồng phạm người Pháp gốc Senegal, Amedy Coulibaly, kẻ từng tuyên bố mình thuộc tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) gây ra tại một siêu thị của người Do Thái ở phía đông Paris và vùng ngoại ô Montrouge. Các vụ tiến công khiến tổng cộng 17 người thiệt mạng, 11 người khác bị thương. Có tám trong tổng số các nạn nhân là biên tập viên của tờ Charlie Hebdo như các họa sĩ Jean Maurice Jules Cabut (bút danh “Cabu”), Stéphane Charbonnier (bút danh “Charb”) và Georges Wolinski, nhà nghiên cứu kinh tế Bernard Maris, biên tập viên Mustapha Ourad, nhà phân tích tâm lý Elsa Cayatn… Ba thủ phạm đã bị cảnh sát tiêu diệt trong các cuộc đụng độ.

Ngay sau vụ việc, số báo 1178 của tạp chí Charlie Hebdo vẫn tiếp tục xuất bản vào ngày 14-1 do chính những người sống sót sau vụ tiến công thực hiện. Trên bức ảnh bìa là bức tranh về nhà tiên tri Muhammad đang khóc và cầm một tấm biển có dòng chữ “Je suis Charlie” (nghĩa là “Tôi là Charlie”), cùng tiêu đề ghi ở trên là “Tout est pardonné” (Tất cả được tha thứ). Trước cuộc tiến công, số lượng bản in của tạp chí ở mức 60.000 tờ, nhưng sau đó, gần tám triệu số báo tưởng nhớ nạn nhân vụ xả súng đã được bán hết trên toàn thế giới. Đồng thời, sau ngày xảy ra vụ tiến công, hàng nghìn người đã xuống đường tại Paris và nhiều thành phố lớn khác ở châu Âu như Brüssel (Bỉ), Berlin (Đức), London (Anh), Roma (Italia), Madrid (Tây Ban Nha),… để bày tỏ sự tiếc thương với các nạn nhân và cùng giơ cao khẩu hiệu “Je suis Charlie”. Thông điệp đoàn kết này đã lan truyền khắp thế giới trên phương tiện truyền thông và mạng xã hội.

Trong ngày 11-1-2015, gần bốn triệu người đã tham gia các cuộc tuần hành khắp nơi tại Pháp, chỉ tính riêng tại Thủ đô Paris con số lên tới khoảng 1,5 triệu người. Đây được xem là một trong những cuộc tuần hành lớn nhất trong lịch sử nước Pháp, đặc biệt có sự tham gia của nhiều chính khách hàng đầu châu Âu, những nhân vật nổi tiếng trong nhiều lĩnh vực,… nhằm tưởng niệm những người thiệt mạng, ủng hộ quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí và phản đối chủ nghĩa khủng bố.

Nhìn lại quá khứ, cảnh báo tương lai

Ngày 7-1 vừa qua, Chính phủ Pháp và người dân Paris đã tiến hành lễ tưởng niệm 5 năm ngày xảy ra sự kiện thảm khốc tại Charlie Hebdo. Phiên tòa đầu tiên xét xử 14 đối tượng liên quan các vụ tiến công khủng bố sẽ bắt đầu vào cuối năm nay. Phát biểu ý kiến trên kênh truyền hình RMC (Pháp), bà Maryse Wolinski, người vợ vẫn đang chịu tang cố họa sĩ Georges Wolinski thiệt mạng trong sự kiện ngày 7-1 cho biết: “Không phải vì 5 năm đã trôi qua mà tôi sẽ không tức giận nữa. Tôi muốn bày tỏ điều đó trong phiên tòa. Tôi muốn nói chuyện với những người này, hỏi tại sao họ lại làm điều đó. Như vậy tôi nghĩ rằng mình mới có thể cảm thấy thanh thản hơn”.

Lễ tưởng niệm có sự hiện diện của cựu Tổng thống Pháp Francois Hollande, Thị trưởng Paris Anne Hidalgo; Bộ trưởng Nội vụ Barshe Castaner và một số nhà lãnh đạo nhiều bộ trong chính phủ. “Không có cuộc đàm phán nào cho tự do. Điều đáng lên án là lòng hận thù chứ không phải tiếng cười”, ông Francois Hollande bày tỏ ý kiến trong buổi lễ. Khoảng 50 người đã tham dự lễ tưởng niệm tại trụ sở cũ của tạp chí Charlie Hebdo ở quận 11, bao gồm cả những biên tập viên sống sót sau vụ tiến công. Họ cùng nhau hát quốc ca Pháp và dành một phút im lặng để tưởng nhớ những người đã khuất. Nghi lễ đặt vòng hoa cũng được tổ chức cùng ngày tại siêu thị Do Thái và vùng ngoại ô Montrouge, nơi từng xảy ra các vụ bạo lực sau sự kiện tại Charlie Hebdo. Ông Eric Guerssonier, nhân chứng 64 tuổi chứng kiến ​​vụ tiến công tại Montrouge nói: “Tôi sẽ không bao giờ có thể quên khoảnh khắc đó. Nhưng tôi nghĩ đó là điều đã đoàn kết chúng tôi. Tất cả chúng tôi nay đều trở thành Charlie”.

Tiêu biểu trong số những biên tập viên sống sót của Charlie Hebdo tham dự có ông Laurent Sourisseau, họa sĩ biếm họa (bút danh “Riss”) từng bị thương do đạn bắn vào vai, hiện là Giám đốc xuất bản của tạp chí. Trả lời phỏng vấn của đài phát thanh France Info, Laurent Sourisseau nói: “Charlie Hebdo từng bị tiến công chính tại nơi này. Nhưng hiện tại tờ báo vẫn đứng vững. Chúng tôi không bao giờ ngừng đem lại tiếng cười vì đó là một phần của cuộc sống”.

Nhân sự kiện này, Thủ tướng Pháp Edouard Philippe khẳng định, sau 5 năm kể từ khi xảy ra vụ tiến công Charlie Hebdo, nguy cơ khủng bố vẫn còn cao ở Pháp. Nước Pháp vẫn phải cảnh giác cao độ sau khi trở thành mục tiêu của một loạt các cuộc tiến công chết người do những kẻ Hồi giáo cực đoan thực hiện kể từ năm 2015, với tổng số hơn 250 người thiệt mạng. “Tôi không muốn giấu giếm sự thật rằng nguy cơ khủng bố đối với Pháp vẫn còn cao. Sẽ thật sai lầm khi quên điều này. Các sự kiện gần đây đã cho chúng ta thấy rằng nguy cơ tiến công khủng bố nhằm vào Pháp và các quốc gia châu Âu khác vẫn chưa biến mất”, ông Edouard Philippe nói.