Nhớ thương vị mì

Người Quảng Nam luôn tự hào về món ẩm thực dân dã đã có từ hàng trăm năm trước và trường tồn với thời gian, đó là mì Quảng. Hầu như gia đình nào cũng biết nấu món này và mới đây, món ăn truyền thống đó đã được nâng tầm khi hiện diện trang trọng trong Bảo tàng Ẩm thực xứ Quảng.

Nhớ thương vị mì

“Dinh trấn Mì Quảng” (thuộc Khu Du lịch Vinahouse, thị xã Điện Bàn, Quảng Nam) nằm ngay tại nơi ra đời của món mì Quảng là làng Phú Chiêm nổi tiếng. Đây là nơi không chỉ giới thiệu món mì Quảng mà còn là địa điểm trưng bày của 5.000 hiện vật liên quan việc tráng, chế biến mì từ hàng trăm năm qua để du khách gần xa dễ hình dung. Đó là các loại cối đá, nồi đồng, mâm đồng, ang đựng thóc gạo, bếp rơm, bếp củi, bàn xắt…, kể cả giếng nước ngọt làng Thanh Chiêm niên đại hàng trăm năm mà người dân địa phương đã dùng để tráng mì. Đó là các loại tô, đĩa, ống đũa, muỗng, lọ đựng mắm, thớt, dao cùng các loại thúng, mủng, quang gánh, bàn ghế bằng tre, gỗ bày bán từ xa xưa...

Không có sách vở nào ghi lại ngày ra đời của món ăn này, nhưng với người dân, họ không quan tâm đến thời gian hay không gian, mà chỉ cần gọi là mì, mì Phú Chiêm hay mì Quảng thì ai cũng biết. Trong quyển tạp văn “Người Quảng đi ăn mì Quảng”, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đã đưa người đọc ngược về với gánh mì ngày trước của các mẹ, các chị với những đoạn rất tình cảm: “Ngày xưa những gánh mì đi khắp nơi với một đầu là nồi nước nhưn (nước chan), củi, nước chè, đầu kia là mì, rau, bát đũa, bánh tráng, đậu phộng, nước mắm tỏi ớt… Buổi sáng, năm ba gánh mì lên đường với nồi nước, lò lửa cháy âm rỉ với mùi củi ổi, củi mít, củi dương liễu bay quyện với mùi nước nhưn thơm phức cả một vùng. Đoàn người gánh mì phập phồng ánh lửa trong sương mai và theo thói quen khách có thể đợi họ đến để mua hay người bán chọn một nơi nào đó để đợi khách…”.

Ngày nay, đời sống được nâng cao nên mọi sinh hoạt cũng phải cải tiến để hòa nhập. Nước nhưn biến tấu thêm vị theo thị hiếu của người dùng. Cách ngồi ăn thay vì bên vệ đường thì nay ngồi bàn gỗ trong các hàng quán bóng bẩy. Nhưng dẫu thế nào thì vẫn là mì Quảng. Về Phú Chiêm thưởng thức tô mì thơm mùi nước nhưn, bẻ miếng bánh tráng giòn, dằm trái ớt xanh cay nồng rồi gắp chút rau sống tươi xanh hái từ hai bờ sông Thu là niềm mong ước của những người cao tuổi hồi hương và cũng là điều thích thú của những ai ưa khám phá đặc sản vùng miền.