Về Bạc Liêu nghe câu vọng cổ

Một thế kỷ đã qua nhưng bản “Dạ cổ hoài lang” vẫn được ngân nga như một bản tình ca bất hủ trên mảnh đất phương nam. Những lời ca da diết, nỉ non ấy dẫn lối về với Bạc Liêu, tới Khu lưu niệm Nghệ thuật đờn ca tài tử và nhạc sĩ Cao Văn Lầu, nơi bảo tồn và khám phá trọn vẹn di sản được ví như  “viên ngọc Nam Bộ”. 

Về Bạc Liêu nghe câu vọng cổ

“Đến Bạc Liêu thì phải nghe đờn ca tài tử thiệt đã rồi hãy về”, đó là cách nói mộc mạc của người dân địa phương khi bày tỏ niềm tự hào về quê hương. Mảnh đất này chính là nơi những điệu vọng cổ đầu tiên được cất lên, cả trăm năm qua người lớn hay trẻ nhỏ đều có thể đàn hát, lưu giữ, truyền bá và tôn vinh là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Khu lưu niệm Nghệ thuật đờn ca tài tử và nhạc sĩ Cao Văn Lầu là một nơi nhất định phải đến khi tới Bạc Liêu. Khuôn viên rộng hơn 12.000 m2 được chia theo lớp lang biểu tượng, chủ đề, như một bảo tàng thu nhỏ lưu giữ ký ức về loại hình nghệ thuật đờn ca tài tử cũng như cuộc đời, sự nghiệp của nhạc sĩ tài hoa. Đặc biệt hơn, đây chính là mảnh đất gia đình nhạc sĩ đã sinh sống và cũng là nơi ông và người vợ tào khang của mình an nghỉ.

Ở không gian trưng bày ngoài trời, nổi bật nhất là tượng đài lấy biểu tượng chiếc đàn kìm, biểu tượng của đờn ca tài tử Nam Bộ. Từ đài cao này có thể bao quát được khung cảnh của toàn bộ khu lưu niệm, với khu vườn âm nhạc quy tụ 12 loại nhạc cụ dân tộc được khắc bằng đá xanh, hài hòa giữa mặt nước và mầu xanh mát của những rặng tre, thảm cỏ.

Nhà trưng bày là nơi lưu những tư liệu quý về thân thế, sự nghiệp của nhạc sĩ Cao Văn Lầu, cùng khu trưng bày bản thu các giọng ca nổi tiếng gắn với lịch sử thăng trầm của loại hình nghệ thuật này. Hai bản “Dạ cổ hoài lang” nổi tiếng cùng nhiều tác phẩm khác cũng được ghi lại bằng nét bút thi pháp đầy nghệ thuật. Không gian biểu diễn cách đó không xa là nơi các nghệ sĩ, nghệ nhân trình diễn, giới thiệu với khán giả về di sản quý của cha ông. Hằng ngày, các thế hệ con cháu vẫn lấy lời ca, tiếng đàn cùng hoài niệm về một chuyện tình thật đẹp đã trở thành cảm hứng cho bản tình ca Nam Bộ với những lời nhắn nhủ “duyên sắc cầm đừng lạt phai”.