“Mây trời trên núi xanh”

“Thuyền ta lướt nhẹ trên Ba Bể/Trên cả mây trời trên núi xanh…”, những câu thơ ấn tượng về cảnh sắc một vùng non nước đã được nhà thơ Hoàng Trung Thông sáng tác sau một chuyến viếng thăm cùng bạn bè từ rất lâu. Qua bao thời gian, hồ vẫn vẹn nguyên những hình ảnh ấy.

“Mây trời trên núi xanh”

Hôm tôi ghé qua, hồ Ba Bể không có nhiều khách. Là hồ nước ngọt lớn nhất Việt Nam, nằm trong top 10 hồ nước ngọt lớn nhất thế giới, thế nhưng địa danh này không nằm trong danh sách kiểu như “những nơi phải đến khi chúng ta còn trẻ”, hay trong các gợi ý gạch đầu dòng của những trang tư vấn du lịch. Ấn tượng đầu tiên đập vào mắt tôi là một hồ nước lớn với cảnh núi đồi chập chùng phía xa, chen lẫn những tầng mây cùng làn sương mù mờ ảo.

Mường tượng trong tôi về hồ Ba Bể từ ngày còn cắp sách là hình ảnh những thiếu nữ dân tộc Tày chèo thuyền độc mộc giữa hồ nước xanh, trong câu “Bắc Cạn có suối đãi vàng/Có hồ Ba Bể, có nàng áo xanh” cũng không còn. Ngày nay, phương tiện tham quan hồ chủ yếu là xuồng máy. Càng đi xa bến thuyền, nước hồ Ba Bể như càng xanh trong hơn. Mầu nước dường như biến đổi theo ánh sáng Mặt trời. Buổi sáng sương phủ mênh mông trên các mỏm núi, ánh sáng lấp ló tỏa sáng thì mặt nước có mầu xanh cỏ non. Trưa, sương tan Mặt trời lên cao thì nước có mầu xanh của núi, của cây rừng còn buổi chiều khi cây rừng khép nép thiếp ngủ thì có mầu xanh thẫm, chỉ đến khi không còn ánh sáng nữa thì mặt nước mới ngủ yên thanh thản trong không gian mịt mùng.

Nguồn nước dồi dào, cảnh quan tuyệt mỹ, khí hậu trong lành, nhưng theo cảm nhận riêng, các dịch vụ ở đây không phát triển so nhiều điểm đến khác. Nếu chọn những cung đường ngao du đầu xuân, khách thường ưu tiên những điểm đến nổi bật, được nhắc đến nhiều như Sa Pa, Mai Châu, Mộc Châu, Mù Cang Chải hay Đồng Văn - Mèo Vạc mà bỏ qua vùng lòng hồ này. Tuy nhiên, nếu bạn từng một lần ở homestay tại bản Pác Ngòi, thức giấc sớm mai khi sương giăng mờ núi, tản bộ dọc lối mòn nhìn ngắm những mái nhà sàn nhỏ xinh đậm mùi bản địa, nghe tiếng chim hót, nhìn đàn gà mẹ con dẫn nhau đi kiếm mồi thì chính nét thanh bình, dịu ngọt đó sẽ khiến bạn thêm đồng cảm về câu kết trong bài thơ của thi nhân: “Một lần đã tới, ôi Ba Bể/Muốn ở đây thôi chẳng muốn về”.