Chiêm ngưỡng hòn đá “thần quyền”

Đường ven biển DT 702 từ thành phố Phan Rang (Ninh Thuận) đến vịnh Vĩnh Hy bắt gặp vô vàn là đá. Tôi tự hỏi có hòn đá nào đã được đặt tên, để có điểm dừng trong trí nhớ, để kể với mọi người và có dịp quay trở lại. Xin thưa, đó là hòn đá “thần quyền”.

Chiêm ngưỡng hòn đá “thần quyền”

Con đường DT 702 mới được đầu tư nâng cấp trong mấy năm trở lại đây. Trước đây nó là con đường đá khó đi, chính vì vậy bãi biển Bình Tiên, đảo Bình Hưng, vịnh Vĩnh Hy… mấy năm nay mới trở nên hấp dẫn những tín đồ đam mê khám phá. Đường DT 702 có độ dài 65 km sau khi được nâng cấp thì được mệnh danh là con đường ven biển đẹp nhất Việt Nam. Còn cái tên gọi của một hòn đá sừng sững giữa biển trời cũng uy lực như nghìn năm nó đã ngự ở đó. Người dân địa phương không biết tự lúc nào và ai đã đặt tên cho đá nhưng hỏi đường đi ai cũng nhiệt tình chỉ dẫn.

Để đến gần “thần quyền”, ta phải luồn qua cánh rừng gần thôn Thái An (Vĩnh Hải, Ninh Hải, Ninh Thuận) qua khu bảo tồn rùa biển mới đến. Lối vào rừng rất thoải mái, không cây cỏ bám vào chân bởi đàn dê, đàn cừu chính là những người dọn vườn, phát lối vĩ đại. Ra mom biển thấy chênh vênh đến kỳ lạ, bãi cát mịn hình cánh cung nhỏ khum vào đất liền. Hai đầu cánh cung là hai mõm đá nhô ra “dầm chân” sâu vào lòng biển. Chính sự tạo hình của thiên nhiên này đã ngăn bước chân con người lui tới và trở thành ốc đảo yên bình cho những con rùa biển vào đẻ trứng. Xa xa là nơi hòn đá “thần quyền” ngự trị. Địa hình cách trở khiến việc tiếp cận khó khăn vì vậy nó thành biểu tượng, thành tên gọi riêng.

Trên những bước chân khám phá, có người nói đến đây để cầu quyền lực nhưng lại không thấy có thờ cúng gì. Có người mê võ thì nói rằng đây là thế võ mà chỉ những cao thủ võ công mới nhận ra. Tôi không mê quyền lực, không mê võ thuật, vậy đến đây làm gì? Chắc chỉ để lắng nghe tự sự của mình trong trong sóng gió bạt qua những phiến đá vững vàng, nhàn nhã, thảnh thơi mà thôi.