Xử lý hiệu quả hơn rác thải đô thị

Vận chuyển, thu gom rác theo kiểu truyền thống, sử dụng sức người là một trong những lý do để việc thu gom rác thải chưa mang lại hiệu quả, phần nào ảnh hưởng mỹ quan đô thị và môi trường. Cần phải tìm thêm và nhân rộng các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải là ý kiến của nhiều đại biểu tại Hội thảo “Giải pháp nâng cao chất lượng công tác thu gom, vận chuyển rác đô thị” vừa diễn ra tại TP Hải Phòng.

Xử lý hiệu quả hơn rác thải đô thị

Hiện nay, việc thu gom, vận chuyển chất thải rắn (CTR) sinh hoạt phần lớn do Công ty Môi trường đô thị các tỉnh, thành phố thực hiện. Tuy nhiên, do năng lực còn hạn chế, cùng với ý thức cộng đồng chưa cao nên tỷ lệ thu gom vẫn chưa đạt yêu cầu. Kết quả khảo sát cho thấy, đều đặn mỗi ngày các thùng đựng rác đều được công nhân vệ sinh môi trường đẩy đi khắp nơi thu gom rồi lại kéo về điểm tập kết. Đồ nghề của mỗi công nhân đơn giản chỉ là chổi tre, xẻng và hót rác mà không có thêm công cụ hỗ trợ nào khác.

Theo báo cáo từ Hiệp hội Môi trường đô thị & Khu công nghiệp Việt Nam, hiện nay lượng chất thải trên cả nước phát sinh khoảng 12,8 triệu tấn/năm. Tốc độ gia tăng trung bình mỗi năm khoảng 12%. Trong đó, lượng CTR sinh hoạt phát sinh ở khu vực đô thị khoảng 38.000 tấn/ngày. CTR y tế phát sinh là 600 tấn/ngày với mức độ gia tăng khoảng 7,6%/năm, tổng lượng CTR công nghiệp thông thường phát sinh từ các khu công nghiệp vào khoảng bảy triệu tấn/năm.

Theo thống kê, lượng CTR sinh hoạt đô thị tăng mạnh nhất ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng... Tuy nhiên, lượng rác thải thu gom chỉ đạt khoảng 85,5% tại khu vực đô thị và 45,5% đối với khu vực nông thôn. Nếu tính bình quân chỉ số phát sinh CTR đô thị theo đầu người là 1,2 kg/người/ngày, thì với gần 30 triệu dân sống tại các đô thị, hằng ngày lượng CTR đô thị phát sinh khoảng 36.000 tấn/ngày, trong đó hơn 5.800 tấn không được thu gom, trở thành một trong những nguồn gây ô nhiễm môi trường.

Nhiều giải pháp đã được đưa ra tại hội thảo, trong đó nhấn mạnh đến việc cần xây dựng phương thức phương tiện vận chuyển, phân loại rác tại nguồn thì công tác xử lý, tái chế mới mang lại hiệu quả. Phân loại rác thải tại nguồn là việc làm mang lại nhiều lợi ích, cả trước mắt và lâu dài. Hiệu quả mang lại sẽ trực tiếp giảm độc hại do các loại vật liệu khó phân hủy tồn dư trong môi trường đất, giảm ô nhiễm về mùi hôi, nước rỉ rác, đặc biệt sẽ tiết kiệm diện tích đất dùng để chôn lấp. Ngoài ra, cần tích cực giảm đến mức thấp nhất số lượng rác thải ra môi trường, tích cực phân loại rác theo tiêu chuẩn 3-R (Giảm thiểu “Reduce”; Tái chế “Recycle” và Tái sử dụng “Reuse”). Bên cạnh đó, cần quy hoạch các điểm tập kết trung chuyển rác thải, thiết lập hệ thống cơ giới hóa thu gom vận chuyển, ban hành đơn giá, định mức thu gom, xây dựng các dịch vụ thu gom. Với rác thải nhựa thì cần có giải pháp tái chế. Đặc biệt, việc xử lý tận gốc rác thải sinh hoạt sẽ dễ dàng hơn nếu có sự cố gắng từ chính nguồn phát sinh, đặc biệt là người dân.

Theo Thứ trưởng Xây dựng Nguyễn Đình Toàn, việc thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải đô thị đang là thách thức lớn với toàn xã hội. Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản về công tác quản lý CTR. Trong đó có Chiến lược quốc gia về quản lý CTR đến năm 2025 và tầm nhìn 2050. Chiến lược đã khẳng định, CTR phát sinh phải được quản lý theo hướng coi là tài nguyên, được phân loại, thu gom phù hợp công nghệ xử lý được lựa chọn. Bộ Xây dựng đã hướng dẫn 63 tỉnh, thành phố lập và duyệt quy hoạch quản lý CTR. Ban hành các quyết định, thông tư có liên quan công tác quản lý chi phí thu gom, vận chuyển và xử lý CTR sinh hoạt cũng như kiến nghị các cơ quan quản lý nhà nước nghiên cứu hoàn thiện cơ chế, chính sách tạo điều kiện giúp đơn vị thực hiện công tác môi trường đô thị có đủ nguồn lực để đổi mới công nghệ theo hướng hiện đại, phù hợp từng loại đô thị, vùng, miền.

Nhiều ý kiến cho rằng, trong khi chờ lập được các điểm tập kết rác kín, việc cần giải quyết ngay là bố trí hợp lý giờ thu gom và vận chuyển rác. Theo đó, nên quy định khung giờ thu gom rác ở từng khu dân cư và giờ vận chuyển rác không nằm trong giờ hành chính. Mọi hoạt động thu gom và vận chuyển diễn ra vào ban đêm để không ảnh hưởng môi trường chung, giúp hạn chế cảnh rác thải chất đống trên đường phố, vừa mất mỹ quan đô thị, vừa ảnh hưởng môi trường, giao thông.