Tuần lễ Công trình xanh

Mục đích chính của Tuần lễ Công trình xanh Việt Nam năm 2020 là tạo diễn đàn để chia sẻ, trao đổi về cơ chế chính sách, trưng bày các sản phẩm, thiết bị, vật liệu mới nhằm phát triển công trình xanh, thúc đẩy các dự án phát triển đô thị theo hướng giảm tác động đến môi trường, giảm phát thải khí nhà kính, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên.

Phát triển các công trình xanh sẽ giúp giảm tác động đến môi trường.
Phát triển các công trình xanh sẽ giúp giảm tác động đến môi trường.

Nằm trong chuỗi các hoạt động hưởng ứng Tuần lễ Công trình xanh thế giới, sự kiện Tuần lễ Công trình xanh Việt Nam năm 2020 sẽ diễn ra từ ngày 9 đến 11-12 tại Hà Nội. Theo Bộ Xây dựng, điều này thể hiện nỗ lực và hành động cụ thể của Việt Nam trong việc góp phần thực hiện các cam kết quốc tế về ứng phó với biển đổi khí hậu và phát triển bền vững. 

Phát triển các công trình xanh, công trình sử dụng năng lượng hiệu quả là một trong các giải pháp và là xu hướng tất yếu của Việt Nam, với cam kết đến năm 2030 sẽ giảm 9% tổng lượng phát thải khí nhà kính so kịch bản phát triển thông thường và tăng đóng góp lên tới 27% khi có hỗ trợ quốc tế. Riêng với ngành xây dựng, những năm gần đây, các doanh nghiệp đã có nhiều thay đổi trong tầm nhìn và định hướng phát triển, hướng tới cung cấp ra thị trường những công trình có nhiều yếu tố xanh và hiệu quả năng lượng. 

Theo Chương trình Phát triển LHQ (UNDP), việc ứng dụng các giải pháp kỹ thuật giảm tiêu thụ năng lượng trong công trình mới và công trình cải tạo có thể đạt được mức tiết kiệm năng lượng từ 25 đến 67%/công trình, với chi phí gia tăng từ 0 đến 3% tổng mức đầu tư/công trình và thời gian hoàn vốn cao nhất là 5 năm. Tuy nhiên, theo thống kê của Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC), đến quý III-2020, tổng số công trình xanh được chứng nhận tại Việt Nam mới chỉ dừng lại ở 155 công trình, con số khá khiêm tốn so các quốc gia trong khu vực Đông - Nam Á và trên thế giới. Việc hướng tới tổ chức Tuần lễ Công trình xanh Việt Nam hằng năm sẽ góp phần nâng cao nhận thức của các bên liên quan trong việc thúc đẩy sự phát triển các công trình xanh, công trình hiệu quả năng lượng.

Ban tổ chức cho biết, trong khuôn khổ sự kiện sẽ có bốn hội thảo chuyên đề, các buổi tham quan thực tế công trình xanh, các phiên tọa đàm chính sách, triển lãm các dự án, công trình, vật liệu, thiết bị, công nghệ mới theo hướng xanh, thân thiện môi trường, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả. Trong đó, phiên toàn thể có sự tham dự của đại diện một số bộ, ngành T.Ư, các chuyên gia quốc tế, diễn giả trong và ngoài nước trong lĩnh vực xây dựng, thực thi chính sách, tư vấn thiết kế, đầu tư - xây dựng công trình năng lượng, công trình xanh, đô thị xanh, các nhà cung cấp giải pháp về công nghệ, thiết bị, vật liệu hướng tới yếu tố xanh và phát triển bền vững. Tại đây, sẽ tổng kết những hoạt động và kết quả đạt được của các sự kiện diễn ra trong tuần lễ, từ đó đưa ra định hướng các hoạt động tiếp theo để thúc đẩy phát triển đô thị xanh, công trình xanh và công trình năng lượng hiệu quả.

Bên cạnh đó, phiên toàn thể còn là nơi ghi nhận nỗ lực, chứng nhận sự tham gia của các công trình trình diễn hiệu quả vào Dự án nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong các tòa nhà thương mại và chung cư cao tầng tại Việt Nam (EECB); trao chứng nhận công trình xanh của các công trình đạt chứng nhận LOTUS, EDGE và trao giải cho các sinh viên đoạt giải thưởng “Kiến trúc xanh sinh viên Việt Nam”.