Trung tâm Telehealth đầu tiên của miền trung

Hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới thông qua các hình thức hội chẩn, chẩn đoán hình ảnh, tư vấn phẫu thuật, đào tạo trực tuyến và tư vấn khám, chữa bệnh từ xa dựa trên nền tảng hệ thống công nghệ thông tin là những hoạt động chính của Trung tâm tư vấn, khám, chữa bệnh từ xa (Telehealth), vừa được Bệnh viện T.Ư Huế đưa vào hoạt động.

Trung tâm Telehealth đầu tiên của miền trung

Đại diện Bệnh viện T.Ư Huế cho biết, thực hiện “Đề án khám, chữa bệnh từ xa giai đoạn 2020 - 2025” của Bộ Y tế, các bệnh viện tuyến trên luôn có ý thức phải hỗ trợ bệnh viện tuyến dưới thông qua hình thức này. Đặc biệt, khám, chữa bệnh từ xa là một trong những nhóm giải pháp quan trọng khi dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp trên thế giới và nguy cơ cao ở Việt Nam. Vào cuối tháng 7, khi TP Đà Nẵng phát hiện một loạt ca nhiễm Covid-19 mới sau 99 ngày cả nước không có ca nhiễm trong cộng đồng, đơn vị đã triển khai hoạt động đào tạo trực tuyến cho các nhân viên y tế trong khu vực. Với vai trò là bệnh viện đa khoa tuyến cuối về chuyên môn kỹ thuật và là đầu cầu chính, kết nối trực tuyến với 100 đầu cầu khác là các đơn vị y tế khu vực miền trung - Tây Nguyên. Theo đó, những ca bệnh khó tại các bệnh viện tuyến dưới và các tỉnh, thành sẽ được hội chẩn thông qua hệ thống camera trực tuyến trước khi quyết định chuyển lên tuyến trên điều trị hay không.

Với việc kích hoạt Trung tâm Telehealth đầu tiên của miền trung, đại diện Bộ Y tế mong muốn sẽ góp phần nâng cao năng lực chuyên môn của y tế tuyến dưới, tạo sự liên thông trong hệ thống, đồng thời hỗ trợ, tạo điều kiện cho việc thực hiện chuyển tuyến đúng về chuyên môn và an toàn với người bệnh. Người dân được hỗ trợ sử dụng dịch vụ y tế có chất lượng của tuyến trên ngay tại cơ sở y tế tuyến dưới, góp phần phòng, chống dịch, giảm quá tải bệnh viện tuyến trên, nâng cao hiệu quả khám, chữa bệnh và sự hài lòng của bệnh nhân. Với Bệnh viện T.Ư Huế nói riêng và tỉnh Thừa Thiên Huế nói chung, việc triển khai khám, chữa bệnh không tiếp xúc sẽ là cách tương tác với hệ thống chính quyền để hướng tới mục tiêu “Bốn không” của tỉnh, đó là: làm việc không giấy tờ, họp không tập trung, giải quyết thủ tục hành chính không gặp và thanh toán không sử dụng tiền mặt.

Ngay sau buổi khánh thành, các bác sĩ của Bệnh viện T.Ư Huế đã hội chẩn các ca bệnh khó từ đầu cầu của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh, Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cu Ba Đồng Hới (Quảng Bình), Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ngãi và Bệnh viện Đa khoa thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh). Tại đây, các chuyên gia về tim mạch, ngoại tiêu hóa, ung bướu, nội tiết, hô hấp… đã tham gia thảo luận ca bệnh, phân tích các kết quả xét nghiệm cận lâm sàng cùng các bác sĩ của năm đầu cầu có ca bệnh. Thông qua hình thức thăm khám trực tuyến, tất cả những hình ảnh chụp CT, siêu âm, X-quang đều được truyền trực tiếp, giúp quá trình chẩn đoán dễ dàng và thuận tiện hơn, hạn chế việc di chuyển của bệnh nhân. Được biết, trong thời gian tới, kỹ thuật Telehealth sẽ được nâng cấp ứng dụng công nghệ 4.0 mới như trí tuệ nhân tạo (AI), phân tích dữ liệu lớn (Big Data) giúp các bác sĩ nhanh chóng đưa ra phương án điều trị tối ưu dựa trên lịch sử bệnh án đã được lưu trữ bằng công nghệ hiện đại. Từ đây đến cuối năm, Trung tâm Telehealth Bệnh viện T.Ư Huế sẽ hoàn thành kết nối đến 1.000 điểm cơ sở khám, chữa bệnh thuộc các bệnh viện trên toàn quốc.