Thờ ơ mùa... giảm giá

Những năm gần đây, cơn lốc giảm giá trong ngày “Black Friday” (Thứ sáu đen) đã trở nên quen thuộc với các “tín đồ” mua sắm, đây cũng là dịp để các cửa hàng, trung tâm thương mại tăng cường kích cầu, thu hút khách hàng. Dẫu vậy, mùa giảm giá năm nay không còn được mong đợi như trước.

Treo bảng giảm giá mạnh nhưng các gian hàng vẫn ít người mua.
Treo bảng giảm giá mạnh nhưng các gian hàng vẫn ít người mua.

Hàng ngồi... chờ khách

Năm nay, do ảnh hưởng đại dịch Covid-19 nên người dân dường như thắt chặt chi tiêu, mua sắm. Thế nên, dù là ngày hội giảm giá lớn nhất trong năm nhưng lượng người mua không như kỳ vọng. Đức Huy, nhân viên một cửa hàng thời trang trên phố Chùa Bộc (quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết, năm nay thị trường ảm đạm hơn hẳn mọi năm. “Những ngày này năm trước thường có lượng lớn khách đi săn hàng thì năm nay rất trầm lắng, dù các cửa hàng tìm mọi cách thu hút như treo biển hạ giá sốc, trang trí bắt mắt, bật loa quảng cáo rộn ràng… Khách đến có đông nhưng lượng mua khá khiêm tốn so mọi năm”, anh Huy nói.

Tại các trung tâm thương mại, tình hình cũng không khả quan hơn. Riêng trong ngày thứ sáu (27-11), nhiều gian hàng trong Trung tâm thương mại Vincom Plaza khá yên ắng. Nhân viên một quầy mỹ phẩm cho biết, năm nay xu hướng mua hàng của người tiêu dùng đã thay đổi. Một phần vì ảnh hưởng dịch Covid-19 khiến người dân tiết kiệm, một phần vì có nhiều cửa hàng sử dụng chiêu giảm giá “ảo” để xả hàng tồn, hàng kém chất lượng nên khách hàng cảnh giác. 

Biết đến khái niệm “Black Friday”, chị Ngọc (quận Tây Hồ) nhẩm đếm cũng đã có hơn chục năm “vung tiền” cho đợt giảm giá diễn ra vào mỗi cuối tháng 11. Những năm về trước, chị vẫn thường đứng xếp hàng, chen chân trong dòng người chật chội tại trung tâm thương mại để mua những món đồ ưa thích được giảm giá ít nhất 30%. Dù chen lấn mệt mỏi, song chị luôn phấn khởi bởi hiếm khi ra về tay không mà luôn “tay xách nách mang”. Nhưng năm nay, bầu không khí giảm giá không còn khiến chị Ngọc háo hức. Lý do là nhiều khi những món hàng mua về nhưng không biết sử dụng vào việc gì, thế nên năm nay, mua gì chị cũng cân nhắc khá kỹ. 

Xu hướng săn hàng online

“Thần sale” là biệt danh bạn bè và đồng nghiệp đặt cho Hằng (Hai Bà Trưng, Hà Nội). Không phải tự nhiên mà chị được đặt cho biệt danh đó. Điện thoại cài nhiều app mua hàng online như Tiki, Shopee, Lazada… và thường xuyên bật 4G, wifi nên bất cứ khi nào có các chương trình mua sắm siêu giảm giá “flash sale”, “deal 1k” chị cũng giành thời gian săn bằng được. Ngoài ra, để nắm bắt thông tin nhanh nhạy, chị cũng tham gia các nhóm chuyên săn hàng giảm giá, chia sẻ kinh nghiệm, mua hàng trực tuyến trên mạng xã hội Facebook để không bỏ lỡ bất kỳ đợt sale nào.

Từ khi dịch Covid-19 bùng phát vào đầu năm nay, trừ những vật dụng cá nhân như quần áo phải đến cửa hàng thử mới mua, còn lại mọi đồ dùng chị Hằng đều đặt trên mạng. Có những thời điểm, điện thoại chị gần như lúc nào cũng hoạt động đặt hàng, rồi nhận hàng. Thậm chí, có những shipper (giao hàng) quen chị đến nỗi nếu không giao trực tiếp được thì chỉ cần đọc tên rồi gửi cho nhân viên bảo vệ nhận giúp cũng được. 

Ưa thích mua sắm và là tín đồ săn hàng giảm giá nhưng năm nay, chị Bích (Giải Phóng, Hoàng Mai) lại không mấy quan tâm dịp “Black Friday”. Nguyên nhân bởi cách đây nửa tháng, chị đã “xuống” khá nhiều tiền để săn hàng giảm giá trong dịp 11-11 (Ngày độc thân). Chị kể, hôm đó, chỉ sau một hồi lướt app khi đang có chương trình “flash sale” của Shopee, giỏ hàng của chị đã lên tới vài chục món. “Thanh toán qua internet banking nên đến lúc nhìn lại số dư tài khoản mới hoảng hốt khi gần chục triệu đồng đã “bốc hơi”. Vì đã mua quá nhiều nên đến “Black Friday” cũng chẳng còn mấy tâm trạng đi săn hàng sale nữa”, chị Bích nói.

Những năm gần đây, với sự lên ngôi của thương mại điện tử nên hầu như tháng nào các sàn, kênh giao dịch hoặc cửa hàng kinh doanh cũng tổ chức nhiều đợt khuyến mãi liên tiếp, điều này khiến nhiều người không còn háo hức chờ đợi giảm giá như trước. Thực tế, mỗi tháng ít nhất có một, hai đợt như vậy, thường thì trùng với các ngày kỷ niệm như ngày 10-10, 11-11 và sắp tới là 12-12, rồi 24-12, Tết Dương lịch… Vì vậy, dù được xem là đợt giảm giá lớn nhất trong năm, nhưng dịp “Black Friday” năm nay không đặc biệt lắm vì nhiều người đã chuyển hướng săn đồ giảm giá quanh năm chứ không chỉ đợi đến một ngày nào đó để mua.