Thêm trạm quan trắc không khí mới

Cùng với 10 trạm quan trắc không khí tự động được lắp đặt trên khắp địa bàn thành phố từ năm 2016 đến nay, vừa qua, TP Hà Nội đưa vào sử dụng thêm một trạm đo lường mới đặt trong khuôn viên Đại sứ quán Pháp tại quận Hoàn Kiếm nhằm góp phần cung cấp số liệu về chất lượng không khí, các chỉ số ô nhiễm khu vực nội đô.

Thêm trạm quan trắc không khí mới

Đại diện của Công ty ENVEA (Pháp), đơn vị lắp đặt thiết bị cho biết, vấn đề môi trường luôn là một mối quan tâm đối với mọi chính phủ, quốc gia. Theo dữ liệu chất lượng không khí của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trong số 23 thành phố ở một số quốc gia Đông - Nam Á được khảo sát (trong đó có Việt Nam, Thái-lan, Myanmar và Indonesia), Hà Nội có chất lượng không khí xấu thứ hai. Trong đó, chỉ số bụi mịn PM 2.5 của Hà Nội thường xuyên vượt mức an toàn theo quy chuẩn của WHO. Đặc biệt, Báo cáo môi trường quốc gia về ô nhiễm không khí chỉ ra Hà Nội có trung bình từ một đến hai ngày/năm có chất lượng không khí chạm mức nguy hại.

Theo đó, trạm quan trắc mới này sẽ được kết nối mạng lưới chung của thành phố, cung cấp số liệu liên tục cho hoạt động giám sát, đánh giá các chỉ số không khí của Hà Nội. Thiết bị này sẽ vận hành tự động 24/24. Ngoài các chỉ số về chất lượng không khí, hướng gió, tốc độ gió, lượng mưa, bụi, ozon cũng sẽ được cập nhật liên tục. Người dân Thủ đô có thể theo dõi chất lượng không khí thông qua trạm quan trắc mới này và 10 trạm sẵn có do Sở Tài nguyên & Môi trường (TN&MT) Hà Nội đầu tư thể hiện trên website moitruongthudo.vn.

Qua các thông tin được cập nhật, chất lượng không khí sẽ được thể hiện qua năm thang mầu quy định bởi Bộ TN&MT. Theo đó, mầu xanh thể hiện chỉ số chất lượng không khí tốt, không gây hại tới sức khỏe con người; vàng thể hiện chỉ số chất lượng không khí trung bình ảnh hưởng sức khỏe của nhóm nhạy cảm là người già, trẻ nhỏ và người mắc bệnh hô hấp; da cam thể hiện chất lượng không khí kém, ảnh hưởng sức khỏe của nhóm người nhạy cảm cần hạn chế thời gian ở ngoài; mầu đỏ thể hiện chất lượng không khí xấu, ảnh hưởng sức khỏe nhóm người nhạy cảm và đặc biệt mầu nâu thể hiện chất lượng không khí nguy hại, khuyến cáo mọi người nên ở nhà.

Nhân dịp sự kiện này, TP Hà Nội cũng đã ra mắt sa bàn “Hoan Kiem Air” mô phỏng tương tác về ảnh hưởng của giao thông đô thị đến chất lượng không khí. Mục tiêu của công cụ này là thiết kế một mô hình thực tế về giao thông đô thị tại Hà Nội và lượng ô nhiễm không khí phát sinh từ hoạt động này. Theo đó, công cụ sẽ cho phép cảm nhận được mức độ ô nhiễm trên thông qua việc chiếu các thông tin mô phỏng của mô hình này lên sa bàn 3D của quận Hoàn Kiếm, nhằm xác định, xem xét các kịch bản và tìm các giải pháp giảm thiểu khác nhau bằng cách tương tác.