“Phố hóa sông” bao giờ chấm dứt?

Ngập ở phố cũ là điều không lạ, nhưng ở các khu đô thị mới, tình trạng úng ngập cũng không khác hơn là mấy, thậm chí còn ngập nặng hơn. Dù đã được đầu tư cơ sở hạ tầng nhiều nhưng việc cải tạo hệ thống thoát nước trên địa bàn thành phố dường như vẫn “giẫm chân tại chỗ”. Thế nên, dù mới chỉ là những trận mưa nhỏ lẻ và chưa bước vào tháng cao điểm mùa mưa bão, song nhiều người dân Thủ đô đã không khỏi ngán ngẩm về tình trạng ngập lụt trên các tuyến phố.

Tình trạng úng ngập ở Thủ đô vẫn thường xuyên diễn ra. Ảnh: TIẾN DŨNG
Tình trạng úng ngập ở Thủ đô vẫn thường xuyên diễn ra. Ảnh: TIẾN DŨNG

1/ Mới đây, chỉ sau một trận mưa lớn kéo dài nhiều giờ, hàng chục xe ô-tô đỗ trên tuyến đường nằm cạnh chung cư Ecohome 3 (phường Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) đã bị ngập sâu. Tuyến đường phía sau dãy nhà No2 và No3 bị ngập dài khoảng vài chục mét, sâu khoảng 50 cm, nhấn chìm hàng chục xe ô-tô trong biển nước. Ngoài khu vực này, nhiều tuyến đường gom tại đại lộ Thăng Long cũng rơi vào tình trạng ngập nặng, đoạn ngập nửa mét, có nơi đến gần một mét và kéo dài hàng km, khiến các phương tiện tham gia giao thông gặp rất nhiều khó khăn khi di chuyển. Ngoài đường gom đại lộ Thăng Long, các tuyến phố Bùi Xương Trạch (quận Thanh Xuân), khu tập thể 18, phường Phú La (quận Hà Đông), ngã tư Lý Thường Kiệt - Phan Bội Châu, phố Cao Bá Quát, ngã năm Đường Thành… cũng có nhiều điểm ngập khoảng 20 - 30 cm. 

Nhiều năm qua, TP Hà Nội đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng vào các dự án thoát nước, trong đó đưa 906 trạm, nhà máy xử lý nước thải vào vận hành, cùng ba dự án khác đã và đang triển khai với tổng số tiền hơn 19.000 tỷ đồng. Nhà máy xử lý nước thải Bắc Thăng Long - Vân Trì công suất thiết kế 38.000 m³/ngày đêm (đang vận hành với công suất 6.000 m³/ngày đêm). Liên danh Phú Điền - SFC đang đề xuất đấu nối, thu gom các nguồn nước thải khu vực chung quanh nhà máy, tăng công suất xử lý thêm 6.000 - 10.000 m³/ngày đêm. Ngoài ra, còn có trạm xử lý nước thải Kim Liên với công suất 3.700 m³/ngày đêm; trạm xử lý nước thải Trúc Bạch với công suất 2.300 m³/ngày đêm; nhà máy xử lý nước thải Yên Sở công suất thiết kế 200.000 m³/ngày đêm; trạm xử lý nước thải Bảy Mẫu công suất 13.300 m³/ngày đêm; trạm xử lý nước thải Hồ Tây công suất 15.000 m³/ngày đêm… đang hoạt động khá hiệu quả để góp phần giảm tải tình trạng tiêu thoát nước ở Thủ đô.

Dẫu vậy, cứ sau mỗi trận mưa, Hà Nội lại tái diễn “điệp khúc” mưa là ngập tại một số nơi, trên các tuyến phố khiến dư luận không khỏi băn khoăn về chất lượng đầu tư công trình so số tiền đã bỏ ra. Thậm chí, ngay tại các khu đô thị mới, được thiết kế quy hoạch chuẩn đô thị song tình trạng ngập vẫn cứ diễn ra. Nguyên nhân dẫn đến ngập úng được nhìn nhận là do hệ thống thoát nước chưa được quan tâm chú trọng quy hoạch tổng thể và đồng bộ, dẫn đến không theo kịp sự phát triển đô thị, khiến khả năng tiêu thoát nước kém do chưa có sự kết nối. Thực tế, mới chỉ bước vào đầu mùa mưa năm 2021, thế nhưng, người dân Thủ đô đã ngán ngẩm khi mưa đổ xuống, nhiều con đường như biến thành sông, không chỉ bất tiện trong sinh hoạt hằng ngày mà còn gây ra nhiều hệ lụy khác.

2/ Hiện nay, Ban Duy tu các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị (Sở Xây dựng Hà Nội) đang vận hành, quản lý 54 trạm bơm tiêu thoát nước trên địa bàn thành phố. Trong số trạm bơm này, hiện chỉ có bốn trạm bơm Đồng Bông I, Đồng Bông II, Cổ Nhuế, Yên Sở được ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, số còn lại vận hành hoàn toàn thủ công. Điều này khiến cho công tác quản lý, giám sát gặp nhiều khó khăn; các sự cố, hỏng hóc nhiều khi chưa được thông báo và xử lý kịp thời. Chưa kể, một số nhà máy còn chưa vận hành đủ theo công suất thiết kế, hệ thống thu gom nước thải về nhà máy chưa được đầu tư xây dựng đồng bộ.

Theo các chuyên gia quy hoạch đô thị, địa hình TP Hà Nội có nhiều điểm trũng, nhấp nhô không bằng phẳng, độ dốc dưới 10% chiếm 54,5% diện tích toàn thành phố, cao độ trung bình khu vực nội thành chỉ từ 6 - 6,5 m so mực nước biển. Vào mùa mưa, mực nước sông Hồng vượt mức báo động 1, phải bơm cưỡng bức ra các sông nhánh chung quanh như Hồ Tây hay sông Tô Lịch, trong khi lưu lượng thoát nước ở các sông, hồ này cũng thấp nên khả năng ngập lụt thường rất lớn. 

Ngoài ra, tốc độ bê-tông hóa nhanh như hiện nay khiến diện tích mặt nước, ao hồ thẩm thấu lượng nước mưa bị hạn chế. Chưa kể, tình trạng các chủ đầu tư khi xây khu đô thị chỉ chú trọng lợi nhuận mà ít quan tâm công tác tiêu thoát nước chung nên khả năng ngập luôn hiện hữu. Hiện nay, ở nhiều nơi, nhiều khu đô thị thực hiện quy hoạch cấp thoát nước theo kiểu kết nối vào hệ thống thoát nước chung thành phố, nhưng lại không đầu tư nâng cấp đường ống dẫn đến tình trạng quá tải. Do đó, thành phố cần thiết phải có quy định về cốt nền đô thị đối với những khu chung cư mới xây, cùng với đó là quản lý tốt việc cấp phép xây dựng giữa cấp thành phố và cấp quận để hạn chế tình trạng úng ngập.