Phát triển đô thị hiện đại, văn minh

Là một đô thị lớn, những năm qua, TP Hồ Chí Minh dành khá nhiều nguồn lực để chỉnh trang và phát triển đô thị cho mục tiêu xây dựng thành phố trở thành một đô thị hiện đại, văn minh. Tuy vậy, quá trình đó vẫn gặp nhiều khó khăn, thách thức khiến những kết quả đạt được vẫn còn hạn chế. Điều này đòi hỏi thành phố cần rất nhiều nguồn lực, cơ chế để chương trình này đạt kết quả như người dân kỳ vọng. 

Nhiều dự án cải tạo môi trường đã thực hiện thành công tại TP Hồ Chí Minh.
Nhiều dự án cải tạo môi trường đã thực hiện thành công tại TP Hồ Chí Minh.

1/ Là một trong bảy chương trình đột phá theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ TP Hồ Chí Minh lần thứ X, nhiệm kỳ 2015 - 2020, chỉnh trang và phát triển đô thị được thành phố xác định là lĩnh vực cơ bản và trọng yếu của sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển thành phố. Xác định tầm quan trọng của vấn đề, ngay sau Đại hội, Thành ủy TP Hồ Chí Minh đã ban hành Chương trình hành động số 15-CTrHĐ/TU ngày 27-10-2016 về thực hiện Nghị quyết Đại hội, với mục tiêu: Tập trung nguồn vốn để chỉnh trang và phát triển đô thị, phấn đấu hoàn thành việc di dời toàn bộ nhà ở trên và ven kênh rạch, tổ chức lại cuộc sống dân cư tốt hơn; xây dựng mới, thay thế chung cư cũ hư hỏng, xuống cấp; chỉnh trang nâng cấp các khu dân cư hiện hữu; xây dựng, phát triển các khu đô thị mới đồng bộ, văn minh, hiện đại. Qua đó, tổ chức lại cuộc sống của dân cư, cải thiện điều kiện sống, tăng mức độ tiếp cận của nhân dân với các dịch vụ công… nhằm góp phần xây dựng TP Hồ Chí Minh có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình. 

Có thể nói, với quyết tâm đó, các sở, ngành liên quan đã có nhiều chương trình, kế hoạch để triển khai những mục tiêu đề ra. Qua hơn bốn năm triển khai, các chỉ tiêu đề ra đạt những kết quả khác nhau. Trong đó, chỉ tiêu khả quan nhất có thể kể đến là xây dựng, phát triển các khu đô thị mới đồng bộ, văn minh, hiện đại. Trong đó, khu đô thị mới Thủ Thiêm, khu đô thị mới nam thành phố, khu đô thị Tây Bắc… đều đã có những hình hài mang dáng dấp của các đô thị hiện đại, tiện ích. Tuy vậy, với nhiều chỉ tiêu khác, các kết quả đều chưa đạt như mong đợi. Đơn cử như trong công tác di dời và tổ chức lại đời sống đang sống trên và ven kênh, rạch.

Ông Lê Hòa Bình, Giám đốc Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh cho biết, đầu nhiệm kỳ, thành phố đặt ra mục tiêu di dời toàn bộ số dân ra khỏi khu vực ven kênh, rạch bị lấn chiếm (22.861 căn nhà trên và ven kênh rạch, tập trung nhiều nhất ở quận 8 (gần 10.000 căn), quận Bình Thạnh (hơn 1.800 căn), quận 7 (hơn 1.700 căn), quận 4 (hơn 1.600 căn)… Tuy nhiên, dự kiến đến cuối năm nay, các đơn vị chỉ mới bồi thường và di dời gần 2.500 căn, đạt tỷ lệ gần 12%. Đối với công tác cải tạo, sửa chữa và xây dựng mới thay thế chung cư cũ, sau khi thực hiện kiểm tra, rà soát và phân loại, thành phố có 474 chung cư cũ xây dựng trước năm 1975 thì đến nay đã thực hiện cải tạo, sửa chữa 199 chung cư. Tuy nhiên, công tác này cũng chỉ chủ yếu dừng lại ở việc khắc phục các hư hỏng, sơn sửa, bổ sung thiết bị phòng cháy, chữa cháy.

2/ Không thể phủ nhận, nhiều năm qua, thành phố đã có nhiều công trình mang lại cho đô thị một bộ mặt hiện đại, văn minh. Theo ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, nhiều năm trước, các dự án lớn như dự án cải thiện vệ sinh môi trường lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè (giai đoạn 2003 - 2010); dự án đại lộ Đông Tây và môi trường nước, cải tạo kênh Tàu Hũ - Bến Nghé (giai đoạn 2005 - 2011); dự án cải tạo kênh Tân Hóa - Lò Gốm… đều đã thực hiện thành công nhờ vào quyết tâm và đầu tư trọng tâm, trọng điểm.

Để các mục tiêu này trở thành hiện thực, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, thành phố cần hoàn thiện những chính sách, cơ chế đặc thù để thu hút các nguồn lực, nhất là nguồn vốn xã hội hóa. Đối với chương trình di dời người dân sống dọc kênh rạch, nhiều ý kiến đề xuất thành phố nên dành 20% quỹ đất hành lang dọc tuyến để nhà đầu tư kết hợp làm dịch vụ thương mại, hoặc kết hợp tạo quỹ đất lớn, có giá trị thương mại cao để thanh toán cho nhà đầu tư. Cùng với đó, thành phố cần chuẩn bị tốt quỹ nhà tái định cư và chính sách phù hợp trước. Trong đó, tạo điều kiện để người dân tái định cư tại chỗ hoặc trên cùng địa bàn. 

Nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh cho biết, đối với chung cư cũ, thành phố kiến nghị Bộ Xây dựng cần có hướng dẫn và cơ chế xử lý rõ khi phân biệt “Nhà chung cư bị hư hỏng nặng có nguy cơ sụp đổ” và “Nhà chung cư nguy hiểm” để thành phố có cơ sở khi cải tạo, sửa chữa hay xây mới. Bên cạnh đó, cho phép được áp dụng cơ chế, chính sách đặc thù nhằm tạo điều kiện chủ động huy động các nguồn lực cho việc đầu tư, chỉnh trang và phát triển đô thị các giai đoạn sau.