Nhức nhối quy hoạch đô thị

Không chỉ gây ra hiện trạng thiếu gắn kết không gian kiến trúc, việc phát triển đô thị mới ở Hà Nội đang cho thấy sự thiếu tổng thể, hài hòa trong quy hoạch… Sự phát triển thiếu định hướng, tầm nhìn khiến thành phố đang phải hứng chịu sự xung đột giao thông, kiến trúc, môi trường sống…

Đường vành đai 2 trên cao (đoạn Minh Khai - Đại La) đang thi công khiến giao thông khu vực này khá căng thẳng.
Đường vành đai 2 trên cao (đoạn Minh Khai - Đại La) đang thi công khiến giao thông khu vực này khá căng thẳng.

1/ Theo các chuyên gia quy hoạch, phát triển các khu đô thị, nhà cao tầng là xu thế tất yếu để xây dựng thành phố hiện đại, thông minh. Tuy nhiên, phát triển các khu đô thị, khu nhà ở cao tầng như thế nào, quy hoạch ra sao rất cần được kiểm soát. Hiện nay, bất kỳ khu đô thị nào cũng hướng tới các tiêu chí “xanh”, “thông minh”, đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội…, nhưng việc nảy sinh nhiều vấn đề trong quy hoạch và quản lý sử dụng đất đai chưa được quan tâm, khiến những tiêu chí này đang bị lệch hướng khỏi quy hoạch. Thực tế, tại những trung tâm, khu vực đô thị phát triển như khu đô thị Dương Nội, hai bên đường Lê Trọng Tấn (quận Hà Ðông), Ðại lộ Thăng Long (huyện Hoài Ðức),… sau những trận mưa lớn, đều rơi vào tình trạng bị cô lập với các tuyến đường chung quanh do nước ngập sâu tại các lối ra, vào.

Không chỉ vậy, tại các địa bàn có mật độ phát triển nhà ở, khu đô thị dày đặc như tại tuyến đường Lê Văn Lương (quận Thanh Xuân), khu vực bán đảo Linh Đàm, phường Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai), khu đô thị Xa La (quận Hà Đông)…, các tuyến đường giao thông chung quanh luôn trong tình trạng quá tải, ùn tắc. Đặc biệt, tại các khu tái định cư, nhà ở xã hội, nhà giá rẻ, tình trạng thiếu công trình công cộng, tiện ích xã hội, cảnh quan, công viên… diễn ra trầm trọng. Ngoài ra, quỹ đất để phát triển loại hình nhà ở này đang rất thiếu, hệ thống cơ sở hạ tầng xã hội và kỹ thuật chưa đồng bộ, mạng lưới giao thông trong và ngoài đô thị chưa phát triển, gây trở ngại cho các vùng lân cận.

Thời gian qua, TP Hà Nội đã đầu tư và đưa vào khai thác, sử dụng tuyến đường vành đai 3 đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long, đường vành đai 2 trên cao, dưới thấp đoạn Ngã Tư Vọng - Ngã Tư Sở, đường vành đai 3 đi thấp qua hồ Linh Đàm, cầu vượt nút giao Nguyễn Văn Huyên - Hoàng Quốc Việt… Tuy vậy, có một thực tế là vào khung giờ cao điểm, nhiều tuyến đường của thành phố đã rơi vào ùn tắc cục bộ, lượng phương tiện chen chân “nhích” từng mét, còi xe inh ỏi khiến ai cũng mệt mỏi vì “chôn chân” trên đường. Khỏi phải nói, tắc đường đã trở thành nỗi ám ảnh của người dân mỗi khi ra đường, thậm chí đường càng mở rộng bao nhiêu thì tỷ lệ ùn tắc tương ứng bấy nhiêu. Rất nhiều con đường sau khi mở rộng xong tưởng chừng giảm tải giao thông đường bộ nhưng thực tế thì ngược lại. Thí dụ, đường vành đai 2 trên cao (đoạn Ngã Tư Vọng - Ngã Tư Sở) sau khi thông xe lại rơi vào cảnh ùn tắc nghiêm trọng tại nút giao Ngã Tư Sở trong khung giờ cao điểm.


2/ Một trong những nguyên nhân dẫn đến sự quá tải là do cơ sở giao thông chưa tương xứng hạ tầng đô thị. Rất nhiều nút giao có mật độ lưu lượng phương tiện giao thông cao đang triển khai tổ chức thi công công trình giao thông, dẫn đến sự ùn tắc nghiêm trọng. Tại một số đoạn, tuyến đường chưa được đầu tư hay chưa hoàn chỉnh vô hình trung tạo thành các nút cổ chai, thậm chí một số tuyến phố giao cắt với các ngõ nhỏ, tuyến phố có đường ngang giao cắt dễ gây ùn tắc. Đơn cử như đoạn đường Phùng Chí Kiên - Hoàng Quốc Việt; điểm quay đầu Trung Văn - Tố Hữu; đường vành đai 3 đoạn nút giao Big C; nút giao Nghiêm Xuân Yêm - Nguyễn Hữu Thọ; Linh Đường - Nguyễn Hữu Thọ, đoạn đường vành đai 2 trên cao (đoạn Minh Khai - Đại La) đang thi công nên một phần diện tích đường bị rào chắn đã gây tắc nghẽn nghiêm trọng. Ngoài ra, các khu vực trường học, bệnh viện, nơi tập trung đông người cũng dễ gây tắc nghẽn vào giờ cao điểm, do tình trạng vi phạm Luật Giao thông đường bộ đi sai làn, đi ngược chiều, đi trên vỉa hè, đi “điền vào chỗ trống”, dừng đỗ xe trái quy định…, khiến giờ cao điểm thường xuyên rơi vào cảnh tắc càng thêm tắc.

Nghị định số 11/2013/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý đầu tư phát triển đô thị quy định, khi thực hiện các dự án phát triển đô thị mới, chủ đầu tư phải có trách nhiệm xây dựng hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội bảo đảm đồng bộ với hệ thống hạ tầng khu vực chung quanh, phù hợp tiến độ thực hiện dự án đã được phê duyệt. Tuy nhiên, trên thực tế, không ít chủ đầu tư chỉ lo xây dựng nhà ở để bán, nên đã “lờ” trách nhiệm theo những quy định đã nêu.

TS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, hiện nay có rất nhiều công trình, dự án quy hoạch được điều chỉnh sai quy trình, không công bố công khai. Đô thị hóa nhanh thì cũng xảy ra sai phép nhanh, điều chỉnh quy hoạch liên tục để phù hợp. Điều đó cho thấy, quy hoạch chưa đi trước, chưa nhìn xa trông rộng, chưa gắn với kế hoạch thực hiện dài hạn. Mặt khác, mỗi ngành lại có những dự báo riêng về quy hoạch đất đai, quy hoạch văn hóa, trường học…, do đó quy hoạch đô thị bị phá vỡ, dẫn đến giao thông tắc nghẽn, thành phố chìm trong cảnh ngập nước, môi trường ô nhiễm, sinh thái bị ảnh hưởng.