Nhà ở xã hội vẫn xa tầm với

Trong các báo cáo về thị trường bất động sản mới đây, nhiều tổ chức, đơn vị đều khẳng định giá bán nhà ở trên thị trường không có xu hưởng giảm mà vẫn tăng. Thế nên, dù nhu cầu nhà bình dân rất lớn, nhưng các dự án phân khúc này liên tục bị đẩy cao khiến người thu nhập thấp càng khó mua được nhà ở.

Người thu nhập thấp khó có cơ hội sở hữu một căn hộ do giá nhà ở vẫn khá cao.
Người thu nhập thấp khó có cơ hội sở hữu một căn hộ do giá nhà ở vẫn khá cao.

Giá nhà không giảm

Thông tin về tình hình số liệu nhà ở và thị trường bất động sản trên địa bàn Hà Nội quý III - 2020, Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, căn hộ bình dân tiếp tục chiếm tỷ trọng nhỏ trong cơ cấu nguồn cung căn hộ. Tuy nhiên, tỷ lệ hấp thụ phân khúc này luôn duy trì ở mức rất cao, khoảng 70%. Về giá nhà ở, chưa thấy hiện tượng dự án bất động sản công bố giảm giá; cả nước, trong và sau dịch bệnh, giá bán căn hộ phân khúc trung, cao cấp gần như đi ngang; phân khúc bình dân tăng nhẹ khoảng 3 - 5%. 

Hiện nay, thị trường bất động sản bị sụt giảm rất lớn cả về quy mô, số lượng dự án, sản phẩm nhà ở đưa ra thị trường và số lượng giao dịch. Tình trạng thiếu nguồn cung nhà ở, nhất là nhà ở vừa túi tiền đã dẫn đến giá nhà tăng, làm cho phần lớn người có thu nhập trung bình, người thu nhập thấp ở đô thị và người nhập cư khó mua nhà hơn trước đây, tạo ra mối quan ngại an sinh xã hội về nhà ở.

Do khan hiếm nguồn hàng chính thống, giá căn hộ các phân khúc đều đang ở ngưỡng trần, nên nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ tìm và khai phá những thị trường mới ở vùng ngoại thành xa trung tâm như Đông Anh, Gia Lâm, Hoài Đức, Hòa Lạc… Đây đều là những khu vực có chủ trương phát triển thành quận, có sự quan tâm nghiên cứu đầu tư của những nhà phát triển bất động sản lớn. Tuy nhiên, hiện nay đang xuất hiện nghịch lý, giá đất trong một số dự án được đầu tư cơ sở hạ tầng hàng chục năm vẫn loanh quanh ngưỡng 30 - 40 triệu đồng/m², nhưng đất trong làng xóm không được đầu tư cơ sở hạ tầng tương xứng đô thị đã có giá chào bán từ 20 - 30 triệu đồng/m². 

Giá đất đai tại các địa phương bị đẩy lên cao đã làm “chùn” sự quan tâm của các nhà phát triển bất động sản. Bởi lẽ, giá đất quá cao khiến việc đền bù giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn. Dẫu vậy, trong chiến lược kinh doanh hiện nay, có thể thấy chủ đầu tư không bận tâm đến việc thu nhập của người có nhu cầu mua nhà bị suy giảm do ảnh hưởng đại dịch. Họ đã xác định không cần phải cạnh tranh để bán được hàng và cứ tăng giá nhà dù sức tiêu thụ đang chậm. Hệ quả là nguồn cung trên thị trường khan hiếm trong khi cầu lớn đã đẩy giá nhà tăng lên.

Người thu nhập thấp khó mua nhà

Mới đây, Chính phủ yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư cân đối thêm 1.000 tỷ đồng cho Ngân hàng Chính sách xã hội theo Nghị quyết số 71/2018/QH14 và bổ sung 2.000 tỷ đồng để cấp bù lãi suất cho bốn ngân hàng thương mại do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ định để thực hiện hỗ trợ cho vay nhà ở xã hội. Cùng với đó, Bộ Xây dựng nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung một số nội dung bất cập tại Nghị định số 100/2015/NĐ-CP để trình Chính phủ xem xét, ban hành trong quý IV - 2020 theo trình tự thủ tục rút gọn; đề xuất đổi mới phương thức, cơ chế chính sách để giải quyết căn bản nhà ở cho các đối tượng thu nhập thấp. Đồng thời, phối hợp với các địa phương, đặc biệt là TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, đáp ứng nhu cầu của người thu nhập thấp, đặc biệt là công nhân.

Theo thống kê của Bộ Xây dựng, hiện khu vực đô thị cả nước có hơn 1,7 triệu người khó khăn về nhà ở và 1,7 triệu công nhân có nhu cầu ổn định chỗ ở. Để đáp ứng nhu cầu này, cần phải xây dựng khoảng 700.000 căn hộ nhà ở giá rẻ. Trong khi đó, thị trường đang thiếu sản phẩm nhà ở thương mại loại vừa và nhỏ có giá vừa túi tiền, thiếu nhà ở xã hội, nhà cho thuê giá thấp. Nhu cầu nhà ở cao, nhưng hiện nay chưa có chính sách tín dụng phù hợp hỗ trợ người có thu nhập trung bình, người có thu nhập thấp đô thị tạo lập nhà ở, cũng như cơ chế chính sách hữu hiệu nhằm khuyến khích các doanh nghiệp phát triển các dự án nhà ở cho thuê. Cùng với đó là những vướng mắc trong vấn đề pháp lý, phê duyệt chính sách từ lúc chấp thuận chủ trương, quy hoạch, phê duyệt… cho tới việc thống nhất của các ban, ngành liên quan và đến khi ra được giấy phép xây dựng, quyết định khởi công của dự án là cả một thời gian khá dài.

Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho biết, trong khoảng thời gian hai năm trở lại đây, cũng như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh gần như không có dự án mới được phê duyệt. Các dự án đô thị và nhà ở tại địa phương đã được phê duyệt chủ trương đầu tư từ giai đoạn trước cũng gặp nhiều khó khăn trong phê duyệt ở tất cả các khâu, từ quy hoạch tới cấp phép xây dựng, đủ điều kiện tham gia thị trường… Đáng lưu ý, trong quý III - 2020, trong cơ cấu nguồn cung mới, loại hình căn hộ có mức giá bình dân tiếp tục không còn xuất hiện trên thị trường. Trước đó, kể từ quý I - 2020 đến nay loại hình này đã không còn, dù nhu cầu của người dân rất lớn.