Nan giải nhà “siêu mỏng, siêu méo”

Ở Hà Nội, mỗi khi mở một tuyến đường, một dãy phố mới là lại xuất hiện thêm những căn nhà siêu mỏng, siêu méo (SMSM). Điều đáng nói, tình trạng này đến nay vẫn chưa có cách giải quyết hiệu quả.

Nhà siêu mỏng vẫn xuất hiện trên những con đường mới mở.
Nhà siêu mỏng vẫn xuất hiện trên những con đường mới mở.

Chỉ như “bắt cóc bỏ đĩa”

Ghi nhận trên tuyến đường Phạm Văn Đồng (quận Bắc Từ Liêm), nơi có dự án mở rộng đường vành đai 3 (đoạn Mai Dịch - cầu Thăng Long), nhiều hộ dân do bị giải phóng mặt bằng nên đã xén mất phần lớn diện tích nhà. Để có chỗ ở, họ tiếp tục sửa chữa hoặc xây lại căn nhà mới trên phần diện tích còn lại. Chỉ có điều, những căn nhà này có kiến trúc không bình thường, thậm chí nhiều căn nhà có hình thù kỳ dị: mỏng dính, méo mó, xiêu vẹo. Tình trạng trên cũng xuất hiện trên tuyến đường Trường Chinh (quận Đống Đa), tuyến phố Trần Đăng Ninh (kéo dài), tuyến đường Võ Chí Công… khiến diện mạo đô thị ở những nơi này trở nên lộn xộn.

Hầu hết nhà SMSM mà nhiều gia đình đang sinh sống ở ven đường đều còn lại diện tích đất rất nhỏ, không đủ để xây dựng lại một ngôi nhà đúng nghĩa. Thế nhưng, do giá trị đất đai tại khu vực tăng lên chóng mặt khi những tuyến đường mới được xây dựng khiến người dân không nỡ rời bỏ những “tấc đất vàng”. Thậm chí, nhiều trường hợp chủ đất còn tranh thủ thời điểm “tranh sáng, tranh tối” khi đường đang thi công để xây dựng những căn nhà SMSM.

Theo quy định, những công trình có diện tích từ 10 - 15 m² trên cùng tuyến đường, phố sẽ ưu tiên hợp khối kiến trúc mặt đứng với công trình liền kề hoặc cấp phép xây dựng có điều kiện; với diện tích nhà từ 4 m² đến dưới 15 m² cho chỉnh trang giữ nguyên hiện trạng nhà một tầng; nhà có diện tích hơn 4 m², nhỏ hơn 10 m² chỉ được cấp phép xây dựng một tầng. Riêng nhà có diện tích dưới 4 m² sẽ kiên quyết thu hồi phục vụ mục đích công cộng.

Quy định là vậy, song việc xử lý nhà SMSM đang là vấn đề khá nan giải. Thế nên, dù các cơ quan chức năng của thành phố Hà Nội đã tổ chức hàng trăm cuộc họp nhằm xử lý hiện tượng nhà SMSM, nhưng sau bao nỗ lực, nhà SMSM vẫn “vô tư” mọc trên phố mới như một lời thách thức.

Cần giải pháp mạnh và quyết liệt

Việc xử lý các trường hợp nhà SMSM ở các đô thị lớn, đặc biệt ở TP Hà Nội đang gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc. Thứ nhất, do quỹ đất đô thị không còn nhiều, việc bố trí cư dân sang khu vực mới rất khó khả thi. Thứ hai, những miếng đất méo sau khi ra mặt đường mang lại giá trị thương mại cao, người dân có thể dựa vào đó để sinh sống, buôn bán, kinh doanh nên ít người muốn từ bỏ.

Đánh giá những khó khăn trong lĩnh vực này, các chuyên gia về quy hoạch đô thị cho rằng, vấn đề mấu chốt ở đây đó là quyền sở hữu cá nhân và nguồn lực kinh tế của Nhà nước. Đối với vấn đề nguồn lực kinh tế, khi mở đường thì kinh phí chủ yếu tập trung vào ranh giới để mở đường theo chỉ giới đường đỏ, kinh phí chỉ bố trí cho việc mở làm đường, giải phóng mặt bằng và chưa bố trí được nguồn vốn để xử lý những mảnh đất có hình dạng, kích thước hình học không phù hợp hai bên tuyến đường. Từ đó, quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết đều phải làm theo những quy chuẩn, tiêu chuẩn để tránh xảy ra tình trạng nhà ở SMSM. Thế nhưng trên thực tế, việc này đến nay không mang lại kết quả như sự kỳ vọng.

KTS Trần Huy Ánh (Hội KTS Việt Nam) cho rằng, Nhà nước cần phải xây dựng một chế tài đủ mạnh, trên cơ sở phân tích, đánh giá những khó khăn sau khi tiến hành đền bù, giải phóng mặt bằng, chuẩn bị nguồn vốn nếu cần phải thu hồi sẽ thực hiện ngay. Chính vì vậy, việc hợp thửa đối với những mảnh đất nhỏ trong thời gian qua trên địa bàn Hà Nội vẫn rất chậm và gặp nhiều khó khăn.

Liên quan việc giải quyết vấn đề nhà SMSM ồ ạt “mọc” lên gây mất mỹ quan đô thị, Sở Xây dựng Hà Nội vừa ban hành Văn bản số 9661/SXD-TTr gửi UBND các quận, huyện, thị xã về xử lý các trường hợp nhà đất không đủ điều kiện về mặt bằng xây dựng. Theo đó, Sở Xây dựng đề nghị các quận thống kê những trường hợp nhà SMSM chưa được xử lý. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư thực hiện giải phóng mặt bằng trong việc phá dỡ toàn bộ, bộ phận kiến trúc công trình đã được đền bù, bao gồm cả phần công trình còn lại nằm ngoài chỉ giới để không phát sinh công trình SMSM.