Kiểm soát xe quá tải trên phố

Việc xử lý nghiêm những phương tiện vi phạm chở quá tải của các ngành chức năng bước đầu đạt được kết quả tích cực. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng xe quá tải, quá khổ tự ý cơi nới kích thước và hoạt động sai quy định trên đường phố.

Một số loại xe bất chấp quy định chạy trên đường phố.
Một số loại xe bất chấp quy định chạy trên đường phố.

Ngang nhiên vi phạm

Thời gian qua, xe ô-tô chở quá tải có dấu hiệu tái diễn ở nhiều địa phương, đặc biệt gần những khu vực có các công trình đang thi công, ảnh hưởng đời sống người dân, gây bức xúc dư luận. Tại một số địa bàn, đặc biệt các tuyến đê, quốc lộ trọng điểm… thường xuyên xảy ra tình trạng xe ô-tô chở hàng hóa có dấu hiệu quá tải trọng, gây hư hỏng kết cấu đường, một số phương tiện chở vật liệu, đất phế thải làm rơi vãi gây mất vệ sinh môi trường. Đáng nói, có cả xe chở bê-tông tươi của một số công trình thi công trên địa bàn thành phố hoạt động sai thời gian quy định, gây ùn tắc và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông (ATGT). 

Tại Hà Nội, lực lượng thanh tra giao thông luôn tăng cường kiểm tra, kiểm soát nhưng ngay cả khi phát hiện xe quá tải đang lưu thông cũng không dễ dàng xử lý vi phạm. Theo quy định, từ 21 giờ hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau, xe tải, xe chở vật liệu xây dựng công trình siêu trường, siêu trọng được phép hoạt động nhưng phải có giấy phép lưu hành đặc biệt. Tuy nhiên, tình trạng vi phạm giờ chạy cũng như các quy định về tải trọng vẫn diễn ra khá phổ biến. Việc những chiếc xe tải chở vật liệu xây dựng ngang nhiên hoạt động, thậm chí cả vào khung giờ cấm không chỉ khiến giao thông hỗn loạn mà còn gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường, hạ tầng giao thông bị ảnh hưởng… Thực tế, nhiều tuyến đường Thủ đô xuống cấp nhanh chóng do hằng ngày phải chịu đựng hàng trăm lượt xe quá tải trọng chạy qua, thậm chí có những xe khi kiểm tra đã quá tải gấp nhiều lần mức cho phép.

Chưa kể, nhiều lái xe sau khi bị phát hiện chở quá tải trọng đã tỏ thái độ bất hợp tác. Mới đây, một chiếc xe đầu kéo chở gạch đi qua cầu Thăng Long đã bị lực lượng chức năng dừng kiểm tra. Phải sau hơn 13 giờ đồng hồ kể từ khi bị dừng xe, lái xe mới chấp hành việc cân tải trọng. Kết quả chiếc xe chở quá tải trọng cho phép 300% và bị xử phạt tổng cộng hơn 93 triệu đồng. Theo lực lượng chức năng, hiện ở Hà Nội vẫn tồn tại một số đoàn xe trọng tải lớn của nhiều đơn vị vận tải khác nhau nhưng đeo chung logo, các ký hiệu nhận diện riêng như 5678, Cường Linh, X men, LD, Howo… vô tư chạy trên đường bất chấp giờ giấc, quy định.

Cần tăng cường kiểm tra

Tình trạng xe quá tải ngang nhiên hoạt động trên địa bàn Thủ đô gây bức xúc dư luận nhiều năm qua, không chỉ khiến tình trạng mất ATGT, ô nhiễm môi trường mà hạ tầng giao thông đô thị cũng xuống cấp nghiêm trọng. Nhưng tình trạng này dường như rất khó chấm dứt. Nguyên nhân có thể xuất phát từ tình trạng xin - cho, hoặc xử lý không triệt để, dù quy định xử phạt được nêu rất cụ thể tại Điều 24, Nghị định 46/2016/NĐ-CP. Như vậy, điều gì khiến lái xe “nhờn” luật, chủ phương tiện thì cố tình vi phạm, sẵn sàng chịu phạt hết lần này đến lần khác?

Ông Lê Xuân Tiến, Phó Chánh thanh tra Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho biết, việc xử lý vi phạm đối với xe kinh doanh vận tải hàng hóa luôn có khó khăn, vướng mắc. Lực lượng thanh tra giao thông tại một số thời điểm phải triển khai nhiều nhiệm vụ cùng lúc, nên không thể xử lý được hết các trường hợp vi phạm. Khi phát hiện bóng dáng lực lượng chức năng tuần tra kiểm soát, nhiều xe lẩn trốn trên những con đường nhỏ chằng chịt. Một số trường hợp khi bị dừng xe thì có hành vi chống đối, không hợp tác với lực lượng chức năng như không xuất trình giấy tờ xe, khóa cửa ngồi trên xe hàng giờ đồng hồ… Vì thế, khi dừng phương tiện vi phạm để kiểm tra có thể gây ảnh hưởng giao thông đi lại nên lực lượng xử lý gặp khá nhiều khó khăn.

Theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, từ đầu năm đến nay, tình trạng xe quá tải đã tái diễn và ngày càng gia tăng, hiện tượng xe cơi nới kích thước để chở hàng quá tải, lưu thông công khai trên một số tuyến đường đã gây hư hỏng kết cấu hạ tầng giao thông, mất ATGT, ô nhiễm môi trường. Vì thế, trong tháng 4 và các tháng tiếp theo, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đề nghị tăng cường phối hợp triển khai công tác kiểm tra, kiểm soát tải trọng phương tiện giao thông trên địa bàn Thủ đô, không để tái diễn tình trạng xe chở quá tải. Sở Giao thông vận tải Hà Nội cũng đề nghị UBND thành phố sớm triển khai lắp đặt thêm các trạm cân kiểm tra tải trọng tự động, lắp đặt hệ thống camera phục vụ công tác xử phạt nguội theo quy định. Đồng thời, tăng cường xử lý trong công tác quản lý đối với các doanh nghiệp kinh doanh vận tải hàng hóa; xử lý trách nhiệm của chủ doanh nghiệp nếu để lái xe của doanh nghiệp vi phạm nhiều lần như tạm thời thu hồi phù hiệu, giấy phép kinh doanh vận tải đối với các phương tiện khi ra, vào khu vực công trình, bến, bãi…