Khi cơn “sốt đất” đi qua

Với sự điều chỉnh kịp thời, làn sóng giá bất động sản (BĐS) tăng cao đã giảm nhiệt, nhiều nhà đầu tư “lướt sóng” phải chấp nhận bán cắt lỗ, tháo chạy khỏi thị trường. Đây là điều đã được các chuyên gia BĐS cảnh báo khi những bất thường xuất hiện và không tuân theo quy luật thị trường.

Giá đất nền, đất thổ cư tại nhiều nơi được đẩy lên cao nhưng các giao dịch thực tế diễn ra không nhiều. Ảnh: NAM HẢI
Giá đất nền, đất thổ cư tại nhiều nơi được đẩy lên cao nhưng các giao dịch thực tế diễn ra không nhiều. Ảnh: NAM HẢI

1/ Trong hơn một năm qua, sau mỗi đợt dịch, nhu cầu đầu tư BĐS lại tăng lên mạnh mẽ, đợt sau cao hơn đợt trước. Đặc biệt, hồi tháng 2-2021, khi dịch bùng phát mạnh ở tỉnh Hải Dương, Quảng Ninh là thời điểm mức độ quan tâm BĐS tăng đáng kể. Đây cũng là giai đoạn cơn “sốt đất” diễn ra mạnh mẽ tại rất nhiều địa phương trên cả nước.

Có thể thấy, hiện tượng giá đất tăng chóng mặt thời gian qua đã khiến thị trường nhà đất chao đảo theo những cơn sóng ảo khó tin. Theo báo cáo của Hiệp hội môi giới BĐS Việt Nam, đất đai bỗng chốc trở thành hiện tượng khắp nơi, giá tăng trung bình 10% sau một tháng. Nhiều nơi, người dân bỏ kinh doanh, sản xuất để lao vào đầu tư đất với hy vọng sẽ kiếm được một khoản kha khá khi giá đất cứ tăng lên từng ngày. Điển hình, một số khu vực như tại Đông Anh, Ba Vì… giá đất liên tục “nhảy múa”, nhiều nơi giá được đẩy lên gấp hai, ba lần chỉ trong thời gian ngắn. Ngay cả những lô đất vốn là đồi núi, đất rừng, đồng ruộng, hạ tầng chưa có, hay đất trong ngõ lâu nay vốn không ai quan tâm cũng bỗng dưng được chú ý khi nhiều người tìm mua.

Anh Nguyễn Văn Thanh, người có nhiều năm kinh doanh đất đai ở Hà Nội nhận định, những người làm “cò đất” thường có xu hướng tham gia đầu cơ đất. Bởi họ thường rất hiểu địa bàn, tiếp cận trực tiếp người bán và người mua nên nắm rõ giá cả, thỏa thuận, vị trí, nơi nào dễ mua, chỗ nào dễ bán. Khi thị trường sôi động và gặp mối ngon, một môi giới có thể chốt vài giao dịch, kiếm được hàng chục triệu đồng hoa hồng mỗi ngày. Tuy nhiên, không phải người môi giới nào “ôm” đất cũng kiếm được lợi nhuận. Đặc biệt, đến khi thị trường giảm nhiệt, nhiều người không nắm rõ được quy luật cung - cầu, không cân đối được tài chính, phải đi vay mượn nhiều, trong khi đó đất bán không được, dẫn tới nợ nần.

Tình trạng “cò đất” rơi vào cảnh thất thế chỉ sau thời gian ngắn đi buôn đất không hiếm gặp trong ngành BĐS. Đây cũng là hệ lụy chung sau những cơn “sốt đất” bất thường đã được các chuyên gia cảnh báo. Thời điểm này, thị trường nhà đất đã giảm nhiệt, một số tỉnh, thành phố không còn cảnh mua bán nhộn nhịp, ồ ạt như trước, thay vào đó là sự tháo chạy hàng loạt, thậm chí có nơi cắt lỗ vốn đến vài chục triệu đồng dù mới sang nhượng được vài tuần. Thực tế, những năm trước đây, thị trường BĐS ở Hà Nội đã có không ít lần xuất hiện tình trạng “sốt đất” cục bộ tại các địa phương là huyện có kế hoạch lên quận như Hoài Đức, Đông Anh, Gia Lâm…, hay ngay sau khi có thông tin dời trung tâm hành chính về huyện Ba Vì, giá đất tại các khu vực trên cũng tăng liên tục rồi gây ra hiện tượng “bong bóng” BĐS.

2/ Đại diện một sàn môi giới BĐS tại Thanh Xuân (Hà Nội) cho biết, thời gian qua, giá đất nền, đất thổ cư tại nhiều nơi được đẩy lên cao nhưng các giao dịch thực tế diễn ra không nhiều, chủ yếu là hình thức đặt cọc giữ đất và sau đó sang tay ngay khi có người hỏi mua. Vì thế, dù giá đất cao nhưng số tiền đặt cọc lại chưa bằng 1/10 tổng giá trị khu đất nên khó hình thành các giao dịch mua bán đúng nghĩa. Dẫu vậy, với hiệu ứng tâm lý đám đông, chỉ chạy theo thông tin nhất thời, nhiều người vẫn sẵn sàng xuống tiền nếu nhận thấy có thể kiếm chác được dù không hẳn là được nhiều.

Ông Nguyễn Văn Đính, Tổng Thư ký Hội môi giới BĐS Việt Nam (VARS) nhìn nhận, nguồn tiền dư thừa trong thời điểm dịch bệnh hoành hành khiến nhiều người đổ xô vào BĐS với tâm lý “đầu tư vào đất không bao giờ lỗ”. Dù thế, nhiều người không tìm hiểu kỹ về BĐS mà đầu tư theo phong trào đám đông, dẫn tới giá nhà đất tăng bất thường thời gian qua. Tuy nhiên, hiệu ứng này không kéo dài lâu và sau khi các nhà đầu cơ “lướt sóng” rời khỏi thị trường, lực cầu đầu tư sẽ giảm mạnh. Thời gian tới, với việc vào cuộc của các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương, hy vọng giá đất trong quý II - 2021 sẽ được kiểm soát và giảm nhiệt. 

Các chuyên gia bất động sản nhận định, chỉ những khu vực đã có quy hoạch rõ ràng hoặc cơ sở hạ tầng đã và đang trong quá trình hoàn thiện mới đủ cơ sở để đánh giá đúng thị trường nhà đất. Hoạt động mua đi, bán lại diễn ra trong lúc tranh tối, tranh sáng không phản ánh được nhu cầu thực chất của thị trường và sẽ bị dừng lại. Các khu vực “ăn theo” quy hoạch hoặc tăng giá dựa trên một vài thông tin ảo chủ yếu là giới đầu cơ, lướt sóng nhỏ lẻ sẽ không có chỗ cho những dự án đầu tư lâu dài. Thí dụ như đợt “sốt đất” vừa qua, phần lớn nguyên nhân “thổi giá” đều dựa vào một vài thông tin như quy hoạch khu đô thị, mở đường, phát triển huyện thành quận… để vẽ ra viễn cảnh về một cơ hội đổi đời, thu hút người đến sau. 

Thực tế này có thể nhận thấy ở những bài học từ nhiều năm trước, khi có không ít người phải cầm cố tài sản, sổ tiết kiệm, vay nóng mua đất rồi ôm đất và tán gia bại sản vì trót lao vào cuộc chơi BĐS đầy rủi ro.