Hồi sinh những dòng sông

Nhiều năm qua, những dòng sông chảy quanh TP Hà Nội như Tô Lịch, Nhuệ, Sét, Lừ… luôn trong tình trạng ô nhiễm nặng nề. Với nỗ lực hồi sinh các dòng sông, chính quyền TP Hà Nội đang tích cực triển khai nhiều biện pháp.

Nhiều dòng sông ở Hà Nội đang trong tình trạng ô nhiễm nặng nề. Ảnh: NAM ANH
Nhiều dòng sông ở Hà Nội đang trong tình trạng ô nhiễm nặng nề. Ảnh: NAM ANH

Theo ước tính, mỗi ngày có khoảng 150.000 m³ nước thải sinh hoạt chưa qua xử lý đổ vào sông Tô Lịch. Các chuyên gia môi trường đô thị cho rằng, khó khăn lớn nhất cản trở việc xử lý triệt để nguồn ô nhiễm ở con sông này là lượng bùn, chất thải khổng lồ dưới lòng sông, sẽ khó xử lý nếu nước thải sinh hoạt, nước thải công nghiệp cứ tiếp tục chảy vào mỗi ngày. Nguyên nhân là vậy, song từ nhiều năm qua, việc làm sạch dòng sông trên địa bàn thành phố khá bế tắc, vì thế người dân sống dọc tuyến sông Tô Lịch, sông Sét, sông Lừ… vẫn phải chấp nhận sống bên cạnh sự ô nhiễm. Đặc biệt cứ sau mỗi trận mưa, trời nắng lên hoặc nổi gió, mùi hôi nồng nặc từ dưới sông bốc lên rất khó chịu.

Mong muốn khắc phục tình trạng này, Chính phủ Nhật Bản đã hỗ trợ TP Hà Nội thông qua nguồn vốn ODA thực hiện “Dự án Hệ thống xử lý nước thải Yên Xá” (xã Thịnh Liệt, huyện Thanh Trì), với quy mô xây dựng trên phạm vi khoảng 4.874 ha, tổng vốn đầu tư hơn 61 triệu yên (tương đương 16.293 tỷ đồng), trong đó bao gồm nhà máy xử lý nước thải công suất 270.000 m³/ngày-đêm và hệ thống cống thu gom, cống bao, cống đấu nối dọc bờ sông Tô Lịch, sông Lừ và một phần khu vực quận Hà Đông với tổng chiều dài cống các loại khoảng 52,621 km, đường kính từ 315 - 2.200 mm. Dự án này được chính quyền TP Hà Nội xác định là công trình trọng điểm, ảnh hưởng lớn đến đời sống, xã hội khi thu gom xử lý nước thải sinh hoạt của người dân các quận Tây Hồ, Ba Đình, Đống Đa, Cầu Giấy, Hai Bà Trưng và một phần huyện Thanh Trì, quận Hà Đông để góp phần làm sạch các dòng sông trên địa bàn thành phố.

Để triển khai, TP Hà Nội đã chia dự án trên thành bốn gói thầu, bao gồm xây dựng Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá công suất 270.000 m³/ngày-đêm; xây dựng hệ thống cống bao sông Lừ; xây dựng hệ thống cống cho một phần khu vực Hà Đông và khu đô thị mới; xây dựng hệ thống cống bao sông Tô Lịch và cống chính (gói thầu số 2). Mục tiêu của dự án xây dựng hệ thống xử lý nước thải Yên Xá nhằm cải thiện môi trường sống, hệ sinh thái tự nhiên, điều kiện vệ sinh tại các khu đô thị trung tâm của lưu vực sông Tô Lịch, tả ngạn sông Nhuệ và lưu vực sông Lừ.

Ông Nguyễn Văn Hùng, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình cấp nước, thoát nước và môi trường Hà Nội cho biết, gói thầu “Xây dựng hệ thống cống bao cho sông Tô Lịch và cống chính” có vị trí quan trọng nhất trong bốn gói thầu của Dự án Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá. Gói thầu này có chiều dài 21,66 km, trong đó gần 13 km đi ngầm, hơn 8 km đào mở được chính thức thi công từ ngày 18-5, do nhà thầu Nhật Bản thực hiện theo phương pháp khoan kích ngầm (công nghệ Pipe Jacking). Để thi công gói thầu này, đơn vị thi công sẽ xây dựng đường ống ngầm dưới lòng sông Tô Lịch có độ sâu từ 6 đến 19 m. “Phương pháp này sẽ bảo đảm vấn đề môi trường, tài sản nhà cửa, giao thông trên mặt đất, giữ được cảnh quan và quan trọng nhất là không phải giải phóng mặt bằng gây tốn kém về nguồn lực”, ông Hùng phân tích.

Trước tầm quan trọng của dự án, đại diện Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Hà Nội cho biết: Xây dựng hệ thống cống bao cho sông Tô Lịch và cống chính sẽ là gói thầu quyết định đến thành công của cả dự án. Vì thế, đại diện JICA tại Hà Nội đề nghị Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình cấp nước, thoát nước và môi trường thành phố cần đặc biệt quan tâm đến an toàn thi công, thực hiện nghiêm các biện pháp, hướng dẫn của JICA về môi trường và xã hội khi thi công.

Nhiều năm qua, người dân TP Hà Nội phải chịu cảnh ô nhiễm môi trường từ nước thải, xả thẳng xuống sông Tô Lịch, sông Sét, sông Lừ… Vì thế, việc thi công nhanh Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá sẽ góp phần làm giảm ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố. Đặc biệt, khi Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá đi vào hoạt động sẽ chịu trách nhiệm tiếp nhận nước thải của bảy quận, huyện trên địa bàn và toàn bộ nước thải ở sông Tô Lịch sẽ được xử lý. Khi đó, những con sông này sẽ có khả năng hồi sinh dòng chảy như xưa, đây cũng là mong mỏi, chờ đợi của rất nhiều người dân Thủ đô trong những năm qua do tình trạng ô nhiễm các dòng sông đã rất nặng nề.

Để đạt được mục tiêu trên, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đã yêu cầu Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình cấp nước, thoát nước và môi trường TP Hà Nội chỉ đạo, phối hợp nhịp nhàng giữa các đơn vị thi công, nhà thầu nhằm đẩy nhanh hơn nữa tiến độ thi công nhà máy, hoàn thành dự án trong năm 2021.