Hiểm nguy ở trên cao

Nhà chung cư cao tầng đang là lựa chọn tất yếu của người dân đô thị khi diện tích mặt đất ngày càng chật chội. Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm về sự tiện lợi thì không gian sống này cũng có một số hạn chế.

Sống trong các chung cư cao tầng, người dân cũng cần đề phòng những mối nguy hiểm có thể xảy ra.
Sống trong các chung cư cao tầng, người dân cũng cần đề phòng những mối nguy hiểm có thể xảy ra.

Liên tiếp trong thời gian gần đây, có không ít vụ tai nạn đau lòng khi trẻ em rơi từ chung cư cao tầng xuống đất tử vong. Chiều 3-3 vừa qua, tại KĐT Linh Đàm (phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội) xảy ra vụ việc bé trai khoảng bốn tuổi rơi từ ban-công tầng 3 xuống đất tử vong. Đáng chú ý, đây không phải là lần đầu xảy ra sự việc thương tâm như thế này. Trước đó, tất cả các trường hợp như vậy đều tử vong.

Những vụ tai nạn như vậy không chỉ xảy ra ở Hà Nội, mà còn xảy ra tại các dự án chung cư, nhà ở cao tầng ở các thành phố lớn khác như TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng… Phần lớn xảy ra tai nạn là do cửa sổ thường không có chấn song, bảo hiểm. Bên cạnh đó, ban-công cũng như cột thông gió không có rào chắn cũng là nguyên nhân gây mất an toàn đối với trẻ nhỏ tại những khu chung cư.

Anh Nguyễn Văn Hải (tòa nhà HH1, KĐT Linh Đàm) cho biết: Tháng 10-2015, sau khi nhận bàn giao căn nhà, việc đầu tiên anh làm là sửa lại chấn song. Sau đó, khu vực lan-can phơi phóng quần áo cũng được gia cố bằng ô cửa sắt và khung lưới. Theo anh Hải, trẻ nhỏ thường rất hiếu động, luôn tìm tòi những khu vực mới mẻ để bày trò chơi. Khu vực sân thượng thường được các bé trai yêu thích tìm đến để thả diều hoặc chơi trốn tìm. Khu vực này thường không có rào chắn hoặc tường bao rất thấp, nếu không để ý trẻ có thể leo trèo nghịch ngợm rất nguy hiểm.

Kỹ sư Hoàng Văn Sang (người từng tham gia thiết kế, thi công nhiều chung cư tại Hà Nội) cho biết, nguyên nhân các vụ trẻ em (thậm chí cả người lớn) bị rơi từ trên tầng cao xuống xuất phát từ thiết kế thiếu hợp lý của một số tòa nhà. Đó là các lan-can trong nhà cũng như hành lang quá thấp, chiều cao cửa sổ không hợp lý… Thậm chí, cửa sổ tại nhiều căn chung cư còn không có chấn song (do chủ đầu tư tiết kiệm chi phí xây dựng hoặc để phục vụ công tác cứu hộ khi hỏa hoạn). Ngoài ra, việc kê xếp đồ đạc trong nhà thiếu tính toán cũng là một nguyên nhân.

Nhiều ý kiến cho rằng, việc xảy ra những vụ tai nạn thương tâm từ các chung cư, nhà cao tầng là do thiết kế của chủ đầu tư bị lỗi. Hiện nay, chỉ số an toàn tại các chung cư đều được thiết kế theo quy chuẩn, lan-can đều cao ngang ngực người lớn. Nhưng một số chung cư thiết kế lan-can căn hộ có tay vịn bằng inox hoặc thép khiến trẻ nhỏ dễ bắc ghế trèo lên, hay có những căn hộ thiết kế lan-can khe hở quá to nên trẻ em vẫn chui lọt. Một số chung cư cao tầng, cửa sổ không làm chấn song để tạo thuận lợi cho công tác cứu hỏa… song điều này lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn.

Ngoài các vụ tử vong vì ngã từ chung cư cao tầng, sự an toàn của trẻ ở các chung cư còn bị đe dọa bởi các “vật thể lạ” như bỉm, rác, chìa khóa, ghế… Có không ít trường hợp, trẻ em và người lớn đang vui chơi trong khuôn viên bên dưới tòa nhà thì bị “vật thể lạ” không biết từ đâu bay xuống dưới rất nguy hiểm. Bên cạnh đó, có một vấn đề nảy sinh là Ban quản lý nhiều khu chung cư cũng như lực lượng phòng cháy, chữa cháy thường khuyến cáo người dân không nên lắp lưới hoặc làm lồng sắt ở lan-can, bởi sẽ gây khó khăn cho việc thoát hiểm cũng như cứu người khi xảy ra hỏa hoạn. Thế nên, nhiều gia đình muốn quây lồng sắt để an toàn cũng như chống trộm thì lại mâu thuẫn với việc thoát hiểm.

Để xảy ra những tai nạn đau lòng cho trẻ em có cả nguyên nhân chủ quan và khách quan. Trách nhiệm trước hết là do người trông coi các em đã làm không tròn trách nhiệm. Dẫu vậy, để hạn chế những vụ việc đáng tiếc, các bậc phụ huynh cần lưu ý tuyệt đối không nên để con nhỏ ở nhà một mình hoặc không có sự giám sát. Phải bảo đảm lan-can cao hơn 1,3 m, không có các khe hở nào rộng hơn 10-12,5 cm, không có chỗ nào mà trẻ có thể dùng làm điểm tựa leo trèo. Những thứ mà trẻ em có thể trèo lên hoặc đứng lên như bàn, ghế hoặc chậu cảnh… nên được đặt xa khu vực lan-can. Đặc biệt, khi không có việc cần thiết, nên khóa cửa ban-công.