Hệ lụy từ cơn “sốt đất” ảo

Thời gian gần đây, giá bất động sản (BĐS) đang nóng lên ở khắp nơi với mức tăng chóng mặt, trung bình tăng 20 - 30% chỉ trong vài tháng. Nhiều nơi, người dân bỏ kinh doanh, sản xuất để lao vào đầu tư đất. Điều này gây ra những lo ngại về hoạt động điều tiết thị trường BĐS của Nhà nước.

Cần thận trọng trước các thông tin bất động sản đang “sốt ảo”. Ảnh: NAM HẢI
Cần thận trọng trước các thông tin bất động sản đang “sốt ảo”. Ảnh: NAM HẢI

Giá đất “nhảy múa”

Với những dấu hiệu ấm dần lên vào cuối năm 2020, nhiều người kỳ vọng năm 2021 thị trường BĐS sẽ tăng trưởng trở lại, nhưng ít ai ngờ hiện tượng giá đất tăng chóng mặt tại nhiều địa phương đã tạo ra những cơn “sốt đất” khó tin. Những ngày qua, giá đất tại các khu vực thuộc huyện Đông Anh, Hoài Đức, Thanh Trì… đã tăng từ 20 - 30%. Hiện, khu vực đất Vĩnh Ngọc (Đông Anh) đang ở mức 80 - 100 triệu đồng/m², khu vực Kim Chung - Di Trạch (Hoài Đức) là 100 - 120 triệu/m² đất dịch vụ. Giá đất tăng không ngừng khiến không ít người lập tức có thêm nghề tay trái là môi giới BĐS, dù trước đó chỉ thuần thục lĩnh vực nông nghiệp, vận tải, kể cả bán nước trà đá ven đường. Đáng nói, sự nhảy giá đất ồ ạt tại các địa phương đang kéo theo trào lưu nhà nhà làm “cò”, người người làm “cò” đất, dù kinh nghiệm am hiểu về BĐS chẳng có bao nhiêu. “Hầu hết các cuộc nói chuyện ở quán nước bây giờ đều xoay quanh chuyện về đất. Nơi nào đang nóng, giá bao nhiêu, lô nào được chốt, lô nào vướng mắc… sôi động lắm”, anh Dũng, người dân xã Vĩnh Ngọc (Đông Anh) cho biết. 

Những năm gần đây, giá đất ở Đông Anh thay đổi từng ngày và trải qua không ít lần sốt đất, nhất là mỗi khi có thông tin chuyển đổi thành quận, mở khu đô thị. Khi cầu Nhật Tân được xây dựng, giá đất khu vực dọc tuyến đường Võ Nguyên Giáp đã “nhảy múa” ầm ầm. Thời điểm năm 2008, giá đất tại Nam Hồng, Mê Linh, Tiền Phong… cũng tăng phi mã, song rơi đến 50% giá trị chỉ trong thời gian ngắn sau đó. Đến năm 2018, khi Hà Nội công bố quy hoạch dự án thành phố thông minh với số vốn đầu tư bốn tỷ USD, đất ở Đông Anh lại nổi sóng lần nữa. Tuy nhiên, khi những thông tin lên quận liên tục bị bác bỏ, giá đất ở khu vực này luôn tăng giảm bất thường. Do vậy, tại không ít thời điểm, nhiều nhà đầu tư lướt sóng vay ngân hàng đã ôm cái kết đắng khi giá đất ở khu vực này luôn nhiễu loạn.

Không chỉ riêng Đông Anh mà ở nhiều địa phương khác, tình trạng “cò” đất tung tin đồn không đúng về quy hoạch và phát triển dự án nhằm tạo sóng. Từ đó lợi dụng rao bán đất không phù hợp quy định pháp luật như đất rừng, đất ruộng, vườn… trên thị trường. Nhiều “cò” mồi thường xuyên tập hợp ở những khu vực này tung nhiều thông tin không có cơ sở, đẩy giá lên từng giờ, từng ngày để lôi kéo các nhà đầu tư vào cuộc. Thực tế, đây chủ yếu là “cò” đất tự phát, không phải lực lượng môi giới BĐS chuyên nghiệp đang hoạt động tại các sàn giao dịch BĐS uy tín.

Hệ quả khó lường

Theo các chuyên gia BĐS, nguyên nhân của đợt sốt đất ảo thời gian qua xuất phát một phần từ khung giá đất được chính quyền các địa phương đồng loạt điều chỉnh tăng 15 - 20%. Cùng với đó, ảnh hưởng dịch bệnh khiến nhu cầu đầu tư, gửi tiền vào đất tăng mạnh do đầu tư các ngành kinh tế khác không hiệu quả. Lãi suất ngân hàng giảm cộng với việc đầu tư ngắn hạn có thể mang lại lợi nhuận kinh tế tức thì, nên nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ nhanh chóng chốt và giữ giá trị tài sản bằng đất đai. Như vậy, cầu đầu tư tăng trong khi lượng hàng khan hiếm khiến giá đất tăng mạnh. Đồng thời, xuất hiện nhiều hiện tượng đầu tư bất chấp quy định pháp luật. Nhiều nơi, người dân bỏ kinh doanh, bỏ sản xuất để lao vào đầu tư đất. 

Những ngày qua, nhiều người choáng váng vì thông tin BĐS liên tục tăng giá ở nhiều nơi trên cả nước. Việc tăng giá đất bất thường đợt này có thể kéo theo hàng loạt các chi phí khác tăng theo, đặc biệt là chi phí đền bù giải phóng mặt bằng có thể bị đẩy lên rất cao. Tuy nhiên, đây là thời điểm nền kinh tế đang tìm cách phục hồi sau dịch Covid-19 nên rất khó để diễn ra các giao dịch thật sự. Do đó, khi nền kinh tế chưa tìm lại được hướng phát triển thì giá đất sẽ lại giảm mạnh, những người đầu tư đất chưa kịp bán ra có thể sẽ thua lỗ nặng. Đặc biệt là những người sử dụng đòn bẩy tín dụng có cầm cố tài sản của chính mình. 

Để thị trường BĐS và các chính sách về phát triển nhà ở của Nhà nước không rơi vào cảnh hỗn loạn, nhiều ý kiến cho rằng, chính quyền các địa phương cần vào cuộc quyết liệt để kiểm soát mọi hoạt động sử dụng đất đai, thực hiện các dự án đầu tư, giao dịch đất đai, bảo đảm thực hiện theo đúng quy định pháp luật. Đồng thời, điều chỉnh pháp luật theo hướng số hóa quy hoạch, sản phẩm BĐS người dân có thể thuận tiện tra cứu thông tin. Ngoài ra, cần quản lý các sàn giao dịch và môi giới BĐS chặt chẽ, hiệu quả để ổn định lại thị trường đầy nhiễu loạn thời gian qua.