Giải quyết tình trạng để đất bỏ hoang

Hàng trăm dự án ở Hà Nội chậm tiến độ, “ôm” đất cả chục năm nhưng không bị thu hồi mà được gia hạn để tiếp tục triển khai. Đến thời điểm này, nhiều dự án trong số đó vẫn tiếp tục “án binh bất động”.

Trên địa bàn thành phố có rất nhiều dự án đã bỏ hoang qua nhiều năm.
Trên địa bàn thành phố có rất nhiều dự án đã bỏ hoang qua nhiều năm.

Nhan nhản dự án “đất vàng”

Năm 2010, Công ty CP Đầu tư và Phát triển Sao Phương Bắc được giao đất thực hiện Dự án Tổ hợp garage cao tầng, thương mại dịch vụ, văn phòng, khách sạn và căn hộ tại ô đất B12 Nam Trung Yên ở phường Trung Hòa (Cầu Giấy, Hà Nội). Thời điểm ấy, dự án được giới thiệu có tổng vốn đầu tư ban đầu dự kiến lên đến hơn 980 tỷ đồng. Nếu triển khai thành công, dự án sẽ có tòa nhà garage cao tầng nhằm giải tỏa áp lực thiếu chỗ gửi xe cho khu vực lân cận, một khách sạn kết hợp văn phòng cho thuê 19 tầng và một tòa chung cư 25 tầng với hơn 390 căn hộ. Tuy nhiên, hơn 10 năm trôi qua, dự án này vẫn chưa được triển khai.

Tương tự, Dự án Thành phố công nghệ xanh tại phường Đại Mỗ (quận Nam Từ Liêm) do Blenheim Vietnam làm chủ đầu tư cũng bỏ hoang nhiều năm nay. Được biết, dự án được UBND TP Hà Nội cho phép nghiên cứu lập quy hoạch từ năm 2009, sau nhiều lần điều chỉnh quy hoạch tới nay vẫn chưa thể triển khai, nguyên nhân là do chưa giải phóng xong mặt bằng. Một bộ phận người dân chưa thống nhất với mức giá đền bù của thành phố đưa ra là 200.000 - 300.000 đồng/m², trong khi mặt bằng giá đất nền quanh khu vực ngã tư Vạn Phúc, dọc tuyến đường Đại Mỗ lên tới 70 - 80 triệu đồng/lô, đồng thời giá các căn hộ chung cư ở đây cũng được neo ở mức cao, từ 22 - 25 triệu đồng/m².

Mới đây, trong báo cáo của Hà Nội gửi HĐND thành phố về kết quả thực hiện nội dung kết luận, kiến nghị của HĐND thành phố về tình hình quản lý các dự án đầu tư vốn ngoài ngân sách sử dụng đất chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai trên địa bàn thành phố, nhiều dự án dù “treo” nhiều năm nhưng vẫn nằm trong danh sách được gia hạn 24 tháng. Chỉ có điều, không ít dự án trong số đó vẫn đang quây tôn kín, hoặc được cho thuê làm bãi đỗ xe, nhà hàng, sân bóng đá… Với thực trạng như vậy, không biết đến khi nào những dự án này mới trở thành tổ hợp cao tầng, thương mại dịch vụ, văn phòng, khách sạn căn hộ…?

Khó xử lý, thu hồi

Các dự án chậm triển khai nêu trên chỉ là một trong hàng trăm dự án đình trệ từ lâu trên địa bàn Hà Nội. Những dự án này nằm rải rác khắp các địa bàn quận, huyện không chỉ khiến bộ mặt thành phố trở nên nhếch nhác, mà người dân sống trong vùng quy hoạch dự án cũng gặp khó khăn, đặc biệt là vấn đề lãng phí tài nguyên đất… Đến nay, một số dự án chậm tiến độ kéo dài đã được HĐND thành phố cảnh báo, kiến nghị từ nhiều năm trước, nhưng chưa được giải quyết triệt để.

Nguyên nhân dẫn đến dự án chậm tiến độ có nhiều, từ chủ đầu tư không đủ năng lực tài chính, kinh nghiệm thực hiện đến thủ tục phê duyệt dự án, quy hoạch, cấp phép xây dựng kéo dài, chậm trễ. Qua nhiều năm, thị trường biến động, vì thế theo phương án đầu tư cũ trước khi giao đất thì doanh nghiệp thua lỗ hoặc liên quan vướng mắc bồi thường giải phóng mặt bằng. Theo quy định tại Luật Đất đai, nếu dự án quá một năm không sử dụng đất hoặc chậm tiến độ quá 24 tháng theo tiến độ được duyệt thì sẽ bị thu hồi, nhưng trên thực tế, số dự án thu hồi được rất ít. Một số ý kiến cho rằng, việc xử lý các dự án “treo” tại Hà Nội cũng như các địa phương khác cần một chế tài phù hợp và kiên quyết hơn. Thay vì thu hồi đất thì nên có chế tài xử phạt thật nặng đối với chủ đầu tư. Theo cách này, ngân sách Nhà nước vừa được bổ sung, còn nhà đầu tư không có tiền nộp sẽ phải tự tìm cách chuyển nhượng dự án cho nhà đầu tư khác có năng lực để triển khai.

Thực tế, việc xử lý vi phạm, thu hồi những dự án chậm triển khai đã được quy định cụ thể tại Luật Đầu tư, nhưng quá trình thực thi gặp nhiều khó khăn do quy trình cồng kềnh. Việc xem xét kiến nghị chấm dứt hoạt động dự án cũng còn nhiều hạn chế, nhất là với những dự án đã thực hiện một số thủ tục ban đầu, đã bỏ kinh phí đầu tư giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng kỹ thuật. Ngoài ra, một số dự án có hồ sơ pháp lý nhưng thực tế tình hình triển khai phức tạp, hoặc vẫn đang trong giai đoạn thanh tra, điều tra nên cần có thêm thời gian kết luận từ cơ quan có thẩm quyền.

Theo các chuyên gia quy hoạch, tình trạng đất vàng bỏ hoang là hệ lụy của việc không lựa chọn chủ đầu tư kỹ càng. Thời gian từ lúc chấp thuận đăng ký dự án đến khi phê duyệt dự án thường kéo dài, chưa tính đến thủ tục điều chỉnh quy hoạch hoặc lập quy hoạch, thẩm duyệt thiết kế, giấy phép xây dựng. Trong thời gian này, doanh nghiệp chưa được giao đất nên chưa thể triển khai dự án, nhưng vẫn nộp tiền thuê đất. Ngoài ra, cũng không loại trừ trường hợp chủ đầu tư “cố tình” tạo ra tranh chấp nhằm “câu giờ” thực hiện dự án. Các trường hợp này phần lớn cũng chỉ trả tiền thuê đất hằng năm hoặc đã nộp tiền sử dụng đất theo khung giá cũ vốn ở mức thấp nên “vô tư” để đất bỏ hoang.