Đổi thay ở phố bên sông

Với sự đầu tư phát triển hạ tầng đô thị bài bản, quận Long Biên đang dần trở thành trung tâm mới của Thủ đô Hà Nội. Điều này không chỉ tạo ra môi trường sống sôi động mà còn kéo theo làn sóng dịch chuyển dân cư sang phía bên kia sông Hồng, giúp giảm tải mật độ dân cư nội đô. 

Long Biên đã trở thành một trong những quận, huyện có tốc độ đô thị hóa cao nhất thành phố Hà Nội.
Long Biên đã trở thành một trong những quận, huyện có tốc độ đô thị hóa cao nhất thành phố Hà Nội.

Diện mạo mới

Quận Long Biên nằm ở cửa ngõ phía đông của Thủ đô. Khi mới thành lập (tháng 11-2003), nơi đây chỉ là địa bàn “nửa làng, nửa phố”, nhưng đến nay, Long Biên đã trở thành một trong những quận, huyện có tốc độ đô thị hóa cao nhất thành phố. Với  817 dự án đầu tư xây dựng, nhiều dự án giao thông được triển khai, hoàn thành đã đưa quận Long Biên trở thành điểm nhấn đô thị mới của Thủ đô.

Là quận duy nhất nằm bên tả ngạn sông Hồng, Long Biên sở hữu quy hoạch đô thị khá hoàn chỉnh và hệ thống giao thông hiện đại. Các tuyến đường huyết mạch như Ngô Gia Tự, Nguyễn Văn Cừ, đường đê Ngọc Thụy - Thượng Thanh, quốc lộ 5 kéo dài và hơn 20 cây cầu lớn, nhỏ như cầu Nhật Tân, cầu Đông Trù, cầu Vĩnh Tuy, đưa quận ngoại thành ngày càng xích lại gần khu vực trung tâm thành phố. Nhiều tuyến đường giao thông liên tục được mở rộng cũng giúp việc di chuyển đến các tỉnh như Bắc Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên, Hải Phòng, Quảng Ninh… và các tỉnh phía bắc trở nên thuận tiện, dễ dàng hơn rất nhiều so trước đây.

Nếu so sánh với một số quận khác cũng có mức phát triển nhanh như Cầu Giấy hay Mỹ Đình, quận Long Biên có tiềm năng phát triển bền vững hơn. Bởi dù có tốc độ phát triển nhanh, song quy hoạch tại Cầu Giấy, Mỹ Đình hiện nay đã bị “băm nát” bởi nhiều dự án sai phạm, dẫn đến các vấn đề kéo theo như giao thông ùn tắc kéo dài, thiếu khoảng không gian xanh, không khí ô nhiễm. Ngược lại, với chủ trương “hạ tầng đi trước dân cư” cùng sự đầu tư bài bản, Long Biên hứa hẹn trở thành khu vực phát triển mạnh mẽ trong tương lai, nhất là khi Đông Anh và Gia Lâm sẽ được đưa lên thành quận.

Tốc độ đô thị hóa cao, nhưng quận Long Biên đã thực hiện tốt công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch. Các khu đô thị như Sài Ðồng, Việt Hưng, Vinhome Riverside… với quy hoạch phần diện tích cho cây xanh, giao thông, trường học chiếm tỷ lệ lớn đã bảo đảm được những tiêu chuẩn của đô thị mới, hiện đại.

Ông Nguyễn Mạnh Trình, Phó Chủ tịch UBND quận Long Biên cho biết, từ một quận ngoại thành Hà Nội, Long Biên ngày nay đã thay đổi rất nhiều. Trước đây, nói đến Long Biên chắc mọi người chỉ biết đến đường Nguyễn Văn Cừ, đường Ngô Gia Tự. Trong những năm gần đây, chúng tôi đã tập trung đầu tư hạ tầng khung, chú trọng phát triển hạ tầng giao thông để từ đó làm đòn bẩy thu hút đầu tư, phát triển đô thị.

Cuộc dịch chuyển cần thiết

Mới đây, TP Hà Nội đã tái khởi động Đề án giãn dân phố cổ, đây được coi là tiền đề để người dân phố cổ tìm kiếm một nơi sống thoáng đãng hơn, thay vì cố “nén” mình trong không gian sống chật chội, thiếu vắng những khoảng thở và mảng xanh thiết yếu.

Bà Trần Thị Thanh (67 tuổi), một người dân phố cổ chia sẻ, môi trường sống rất quan trọng. Nhiều năm nay, chúng tôi đã sống chật chội, chen chúc trong khu phố cổ đang xuống cấp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của chính mình và gia đình. Gia đình tôi đang tìm kiếm một nơi ở mới phía bên kia sông Hồng, cụ thể là khu vực Long Biên, để bảo đảm không gian sống tốt cho sức khỏe.

Ở thời điểm ô nhiễm không khí gia tăng và tác động của dịch bệnh, khu vực phía đông Hà Nội là điểm dừng chân lý tưởng khi sở hữu điểm cộng là “lá chắn” tự nhiên mang tên sông Hồng. Thực tế, làn sóng kiếm tìm những dự án sống mới phía bên kia sông Hồng đã và đang gia tăng liên tục trong những năm qua. Không phải ngẫu nhiên mà Long Biên trở thành “điểm dừng chân” của những cư dân phố cổ trong cuộc lựa chọn một nơi an cư lạc nghiệp mới. Xét về địa lý, khoảng cách từ Long Biên sang phố cổ chỉ mất khoảng hơn 10 phút di chuyển. Trong khi đó, tâm lý yêu thích cuộc sống nhộn nhịp phố phường của người dân phố cổ vẫn được đáp ứng trọn vẹn tại Long Biên, khi hạ tầng, dịch vụ tại đây đã phát triển đồng bộ từ sớm. Đặc biệt, trục đường Nguyễn Văn Cừ đang trở thành điểm đến của nhiều người dân phố cổ nhờ sự sôi động và gần sông Hồng.

Trong mắt giới kinh doanh địa ốc, khu vực quận Long Biên và đôi bờ sông Hồng chảy qua địa phận Hà Nội là vùng đất giàu tiềm năng để phát triển bất động sản. Bởi vậy, thông tin UBND TP Hà Nội bàn thảo việc thực hiện quy hoạch hai bên bờ sông Hồng càng khiến nhà đầu tư kỳ vọng vào sự bứt phá của khu vực này. Tuy nhiên, nếu có ý định đầu tư bất động sản hoặc mua nhà để ở, người dân cần tìm hiểu kỹ lưỡng để tránh rơi vào bẫy “sốt đất”. Trong quá khứ, đã có nhiều cơn “sốt ảo” gây nên những thiệt hại nặng nề cho người mua khi ở không được, mà bán cũng không xong.