Đồ tươi chợ sớm

Để bảo đảm chất lượng bữa ăn gia đình, các bà nội trợ thường phải tốn thời gian cân nhắc, đắn đo, khảo giá nhiều nơi. Một trong những “chiêu” tiết kiệm hiệu quả nhất là mua hàng từ chợ họp buổi sáng sớm.

Thực phẩm buổi sáng tươi ngon. Ảnh: NG.NAM
Thực phẩm buổi sáng tươi ngon. Ảnh: NG.NAM

1/ Hằng ngày, chị Liên (đường Giải Phóng, quận Hoàng Mai, Hà Nội) vẫn giữ thói quen dậy sớm thể dục, sau đó đi chợ luôn ở khu vực gần nhà. Chợ Giáp Bát gần nhà chị họp hai ca sáng và chiều nên chị thoải mái hơn khi chọn mua thực phẩm. Nhưng chị Liên thích đi chợ sớm, phần vì không phải kỳ kèo trả giá, phần vì không phải lật qua, lật lại tới giập bầm cọng rau, con cá… mới mua được vì chúng luôn tươi xanh. Ở đó, chị có thể tìm thấy đủ nguyên liệu thực phẩm bảo đảm dinh dưỡng cho gia đình.

Chợ họp sớm nên mới hơn 5 giờ sáng đã tấp nập, chen chúc kẻ bán người mua. Ai đi chợ cũng cố lướt qua càng nhiều hàng càng tốt để hy vọng có được giá dễ chịu nhất. Chị Liên bảo: “Đi nhiều nên ở đâu cũng có mối quen, có hàng ngon lại gọi. Rau, cá đồng, tôm tép… đều tươi ngon. Có thể nhiều khi giá cả ở đây không rẻ hơn so chợ chính thống, nhưng điểm hấp dẫn là người mua có thể chọn được đồ còn tươi, chưa bị ướp đá”.

Có lẽ vì thế những người ra chợ sớm chẳng phải để mua xa xỉ phẩm. Người ta đi chợ có chăng như muốn được hòa vào cảnh tung tẩy bán mua, được hít hà không khí chộn rộn trong bảng lảng sương sớm. Bán lâu đã quen mặt đặt tên nên người bán không có chuyện nói thách. Người mua cũng thế, chẳng theo thói quen ra tới chợ là kỳ kèo ngã giá, lật tới lật lui từ mớ rau đến miếng thịt lên mà chọn lựa. Cảm thấy như họ đến chợ sớm là để khen, để trầm trồ những mớ rau, miếng thịt còn tươi, cá quẫy trong thau.

2/ Những người buôn bán rau và thịt lợn, gà, bò mang từ các vùng như Thường Tín, Mỹ Đức, Phú Xuyên hay La Khê, La Cả mang ra Hà Nội bán bao giờ cũng rẻ hơn người buôn tại chợ. Không có đồ ôi thiu ướp hóa chất mà món nào cũng tươi ngon. Đó là những quả khế chua mà vườn nhà ai cũng có trồng, hay bó lá chuối tươi được rọc xẻ từ tốn rồi bó lại từng lọn chỉn chu từ ngày hôm trước, cũng trở thành một thức hàng bày bán ở chợ. Đơn giản bởi suy nghĩ, cứ mang ra ngoài chợ nhỡ có ai cần thì sao?

Góc hàng nhỏ của chị Hương (Thường Tín) chỉ vài kg cà rốt, cải thảo, rau muống thu hoạch trong vườn, chị trực tiếp là người đưa vụ mùa ra với chợ, vụ kế vụ, mùa kế mùa, qua bao năm… Thi thoảng sạp hàng là vài con cá rô đồng, tép rong… quẫy đuổi nhau trong chiếc thau nhôm trắng bạc. Rồi có lúc là bầu, bí, chuối xanh… vừa rời khỏi cuống cây đang còn bóng sáp nhựa, đầy lông măng. Có khi là những quả bầu còn lem nhem mầu đất, những quả ổi vườn còn vệt trắng nhờ nhờ… Nói chung, vườn ao quê nhà có gì bán được là chị bó lên xe.

Đi chợ Ngã Tư Sở với chiếc làn trên tay từ tờ mờ sáng, chị Trần Thị Trang (Nguyễn Trãi, Thanh Xuân) than: Gần đây, mấy chị em ở cùng khu tập thể chiều nào cũng có “màn” trao đổi kinh nghiệm mua thực phẩm, trước đây thường bàn ăn gì bổ, tốt thì giờ thêm mục rẻ nữa. Rau muống bây giờ cằn và có sương ăn khá cứng, nếu mua buổi sáng của người ở quê mang ra sẽ rẻ hơn được từ một đến hai nghìn đồng. Thịt gà cũng vậy, mua sớm của người buôn từ các vùng quê ra chỉ có giá 75 - 85.000 đồng/kg, song nếu mua của người buôn tại chợ thì giá đã lên đến trên dưới 100.000 đồng/kg.

Vì sinh kế, nhiều người vẫn mang nông sản quê nhà ra thành phố bán từ tờ mờ sáng rồi lại về. Chỉ có điều, chợ họp trong phố, gây ảnh hưởng mỹ quan đô thị nên họp sớm thì cũng phải tan sớm. 7 giờ sáng là phải giải tán, trả lại không gian cho những hàng quán khác. Những ai không bán hết lại quẩy hàng vào phố bán rong, hoặc trao đổi trực tiếp với bạn hàng. Hai bó rau muống đổi vài trăm gram cá rô đồng. Nắm tép rong đổi chục trái me để nấu nồi canh chua… Cứ vậy, miễn sao hết hàng.

Mặt trời le lói, phiên chợ hoàn thành, người bán lại quay về tiếp tục việc đồng áng, nông sản theo chân người tiêu dùng tỏa đi các nẻo. Thành phố đón bình minh lên để chờ một sớm mai lại đến, chợ mở, người và người lại gặp nhau như một mối duyên không dừng.