Đìu hiu ở biển

Không như những năm trước, các bãi biển của tỉnh Quảng Nam năm nay thưa thớt khách du lịch do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Trong tình cảnh này, những người phụ nữ bán hàng rong quanh các bãi biển cũng vì thế mà lâm cảnh khó khăn.

Dịch bệnh khiến việc mưu sinh của những phụ nữ bán hàng rong trên các bãi biển càng thêm khó khăn.
Dịch bệnh khiến việc mưu sinh của những phụ nữ bán hàng rong trên các bãi biển càng thêm khó khăn.

Một mùa hè vắng khách

Gặp những người phụ nữ bán hàng rong ở bãi biển Hà My (Điện Dương, thị xã Điện Bàn), họ vẫn nở nụ cười, dù cuộc sống hiện rõ khó khăn. Bà Nguyễn Thị Xý (Điện Dương, Điện Bàn) năm nay đã 70 tuổi mở đầu câu chuyện nói về nghề bán hàng rong, cái nghề vốn “đội nắng trưa, mưa sương tối”, cát lút bàn chân. Bà Xý cho hay: “Mệt đấy, nhưng có tiền cũng ráng làm”. Khó khăn trước mắt, quá khứ sau lưng lại hiện về. Bà Xý trò chuyện: “Năm 1968, lúc 17 tuổi, tui đi giúp việc nhà bên Đà Nẵng. Sau giải phóng về đây, rồi vào TP Hồ Chí Minh làm công. Tui cứ đi làm thuê, làm mướn suốt, không học hành, không có trình độ nên cuộc sống khó thay đổi. Nay về quê cấy thuê, gặt mướn, đến mùa khách du lịch ra tắm biển thì đi bán hàng”.

Mấy năm nay, nhờ du lịch, bà Xý ra đây bán hàng ven biển. Tuy nhiên, cho đến nay, những người như bà Xý chưa khởi động lại cái nghề “tay xách, nách mang”, gồm túi bánh tráng, làn nhựa đựng đậu phộng, trứng cút, trái cây gọt sẵn... Hỏi họ sẽ sống bằng cách nào đây? Bà Xý cho biết: “Mỗi tháng tui nhận được 400 nghìn đồng trợ cấp người cao tuổi. Ăn uống thì rau vườn, cá vụn qua ngày cũng xong”.

Mỗi khi có sự thay đổi ở xã hội, những người phụ nữ chân chất, lam lũ luôn tìm được công việc phù hợp sức khỏe của mình. Công việc có thể là tự phát, có thể là rủ nhau đi cho có bạn. Nhưng mấy tháng nay khách du lịch không tới, phố bên biển không tiếng còi xe, biển Hà My nhuốm sự đìu hiu. Sự vắng lặng là điều thấy rõ.

Không muốn nghỉ ngơi

Cuối tuần, bà Võ Thị Tâm mạnh dạn xách túi hàng nhỏ ra biển Hà My. Mặt hàng của bà là đậu phộng, bánh tráng và ít túi trứng cút. Bà cho biết: “Ở đây có năm người bán hàng rong. Đầu mùa tới giờ chưa ai đi bán. Mấy bữa nay, ngồi nhà chán lắm. Hôm nay ra biển cho mát. Bán được thì tốt, không bán được mang về”. Cuối buổi chiều, bà Tâm bán được ba tệp bánh tráng, một gói đậu phộng rang, cả thảy vốn lời được 40 nghìn đồng. “Hết khách rồi đó. Năm trước đông khách, có hôm bán được vài trăm nghìn đồng. Không có cảm giác bí bách như giờ đây”, bà nói.

Bà Tâm, 61 tuổi, thuộc diện người già, neo đơn nhưng chưa được nhận khoản tiền trợ cấp như bà Xý và cũng không có tên trong danh sách được nhận tiền hỗ trợ dịch Covid-19. Bà Tâm nói: “Mặc dù cuộc sống khó khăn, nhưng qua đợt giãn cách xã hội, tui cũng cảm thấy nhẹ nhõm tinh thần”.

Những người bán hàng rong, dù “tay xách, nách mang” cũng là những người phân phối hàng hóa đến tay người tiêu dùng. Trong chuyện này, hàng tiêu thụ tốt, những nhà sản xuất nhỏ lẻ như bánh tráng, rang đậu phộng đóng gói có nhiều việc để làm. Chuỗi giá trị cộng sinh, tự phát, liên quan tạo nên mạch sống trong làng quê, bên lề phố thị.

Chị Đỗ Thị Lệ, làm bánh tráng ở Tam Thanh, TP Tam Kỳ, cho biết: “Trước đây, mỗi ngày tui tráng 15 kg gạo. Nay, bán khó lắm nên hết hàng mới làm tiếp”. Sản xuất gì cũng cần sự liên tục, hiệu quả chứ không ai mong muốn ngắt quãng. Chị giải thích: “Nếu ngày nào cũng tráng, tận dụng nước gạo, nước rửa nuôi heo. Hạt rơi, hạt rụng cho con gà. Tích lũy từ nghề là sản phẩm phụ. Nhưng nay, tiền than quạt bánh cũng đội lên. Nhóm than rồi để than tàn vì không có khách mua vài trăm bánh như trước nữa”.

Trong chuỗi các giá trị định hình bản sắc du lịch, người bán hàng rong không được tính đến. Nhưng mỗi khi lọt vào ống kính khách du lịch, họ luôn tạo cảm giác gần gũi, thân thương trong trưa nắng, hoàng hôn hay đêm về. Ngoài những bức ảnh, câu chuyện của biển rỉ rả, thì thầm bên tai, ở đó có những người mẹ, người bà tần tảo buôn bán. “Đang vào mùa du lịch, chỉ có điều năm nay biển vắng khách. Chẳng biết đến bao giờ, bờ biển Hà My mới lại rộn ràng như xưa”, bà Tâm chép miệng.