Đề phòng cháy, nổ cuối năm

Cuối năm, các hộ kinh doanh thường tập kết rất nhiều hàng hóa để chuẩn bị cung ứng dịp Tết Nguyên đán sắp đến. Điều này tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ cao nếu không có biện pháp bảo đảm an toàn.

Diễn tập phòng cháy, chữa cháy nhằm nâng cao kỹ năng cũng như ý thức đề phòng hỏa hoạn. Ảnh: THÀNH LONG
Diễn tập phòng cháy, chữa cháy nhằm nâng cao kỹ năng cũng như ý thức đề phòng hỏa hoạn. Ảnh: THÀNH LONG

1/ Những ngày cuối năm, tình trạng cháy, nổ trên cả nước lại tăng một cách đáng lo ngại. Số vụ cháy, nổ xuất hiện liên tục không chỉ gây thiệt hại về tài sản mà còn tiềm ẩn nhiều yếu tố nguy hiểm đến tính mạng người dân, ảnh hưởng hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng như đời sống sinh hoạt cộng đồng.

Vào khoảng 10 giờ 30 phút ngày 7-1, một vụ cháy lớn xảy ra tại bãi gửi xe gần chung cư CT5 Yên Xá (Tân Triều, huyện Thanh Trì, Hà Nội). Vào thời điểm trên, người dân bất ngờ phát hiện ngọn lửa bốc lên trong bãi gửi xe gần chung cư CT5 Yên Xá nên nhanh chóng dập lửa. Tuy nhiên, do ngọn lửa bốc lên quá nhanh tạo thành cột khói cao hàng chục mét, người dân không khống chế được nên đã báo lực lượng chữa cháy sở tại. Sau khi nhận được tin báo, Đội Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn gần đó đã điều ba xe chữa cháy đến hiện trường. Đến khoảng 12 giờ vụ cháy đã được khống chế.

Khoảng 18 giờ 35 phút cùng ngày 7-1, một ngọn lửa lớn bất ngờ bùng phát tại ngôi nhà sàn rộng hơn 300 m², lợp bằng lá cọ tại xã Thủy Xuân Tiên (Chương Mỹ, Hà Nội) khiến ngôi nhà bị thiêu rụi gần như hoàn toàn. Theo nhân chứng, vào thời điểm trên, ngọn lửa bùng phát từ mái nhà lợp bằng lá cọ, sau đó lan ra toàn bộ khu nhà sàn gỗ hai tầng có nhiều tượng gỗ. Mặc dù chủ nhà đã kêu gọi người tới hỗ trợ, nhưng không kịp vì ngọn lửa bùng phát quá nhanh. Đến 20 giờ, ngọn lửa cơ bản được khống chế, tuy nhiên phần lớn tài sản cùng khung gỗ của ngôi nhà gần như bị cháy rụi, trong đó có nhiều tượng và các trụ gỗ lớn có giá trị bị cháy đen.

Tình trạng cháy, nổ xuất phát từ nhiều nguyên nhân, cả chủ quan lẫn khách quan. Đặc biệt, cuối năm là thời điểm các cơ sở sản xuất, kinh doanh gấp rút chuẩn bị lượng lớn hàng hóa phục vụ Tết, trong đó có rất nhiều mặt hàng tiềm ẩn nguy cơ về cháy, nổ. Nhiều vụ cháy tại kho, nhà xưởng tuy ít gây thiệt hại về người nhưng gây thiệt hại về kinh tế rất lớn, bởi các kho hàng này đều vừa là nơi chứa hàng, vừa là nơi sản xuất. Một trong số những nơi cũng dễ xảy ra cháy, nổ là tại các khu trung tâm kinh doanh lớn như chợ Đồng Xuân, khu vực phố cổ cũng có rất nhiều hàng dễ cháy, từ tạp hóa đến quầy quần áo, vải vóc, đồ nhựa, đồ gỗ… Nhiều hộ kinh doanh có thói quen thắp nhang đèn, hút thuốc lá, trữ chất dễ cháy như xăng dầu, cồn… tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy, nổ, nếu chẳng may xảy ra biến cố thì trở tay không kịp. Tại các khu chung cư, khu đô thị, hệ thống phòng cháy, chữa cháy cũng rất kém, thiếu hiệu quả, thậm chí có nơi còn không có hệ thống chữa cháy. Nhiều nơi cửa thoát hiểm đi lại khó khăn hoặc không mở vì diện tích quá hẹp, sau khi tổng diễn tập cháy nổ rồi đâu lại vào đó, dụng cụ cứu hỏa không đồng bộ và đầy đủ.

2/ Trong các nguyên nhân gây ra cháy, nổ, một phần xuất phát từ ý thức con người, còn do cơ sở hạ tầng phục vụ công tác phòng cháy, chữa cháy chưa đồng bộ và còn nhiều bất cập như hệ thống trụ nước để cung cấp nước chữa cháy trên các tuyến đường còn thiếu. Tại Hà Nội, có khoảng 1.250 trụ nước chữa cháy, nhưng trong số đó có nhiều trụ không sử dụng được, khóa mở không phù hợp, không có nước, chưa kể có trụ bị hỏng, bị che khuất mất tác dụng. Không những thế, một số người dân thiếu ý thức thậm chí còn có “chiếm hữu” những trụ nước này để sử dụng vào mục đích cá nhân như đặt đồ buôn bán, kê bàn ghế, quây thành nơi bán hàng…

Bà Phạm Thị Lan, cư dân sống tại nhà 2A (khu tái định cư Nam Trung Yên, quận Cầu Giấy) cho biết, việc chiếm dụng trụ nước cứu hỏa ở khu vực nhà tái định cư ngày càng diễn ra thường xuyên, nhưng tôi không thấy người có trách nhiệm giải quyết triệt để. Ngoài ra, tình trạng trụ nước cứu hỏa dù nằm ở vị trí đường chính, khá thuận lợi cho việc lấy nước cứu hỏa khi cần, nhưng lại xuất hiện hàng chục xe ô-tô cá nhân các loại vây kín chung quanh. Dễ nhận thấy, việc triển khai lấy nước cứu hỏa sẽ gặp nhiều khó khăn khi cần. Nếu có tình huống xảy ra, thật khó khăn cho lực lượng thực hiện nhiệm vụ phòng cháy chữa cháy.

Đại diện lãnh đạo Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Công an TP Hà Nội) cho biết, các trụ nước cứu hỏa của TP Hà Nội thuộc Ban duy tu các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị (Sở Xây dựng) và các công ty cấp thoát nước quản lý. Hằng năm, đơn vị thường xuyên phối hợp Ban duy tu có đánh giá, thực hiện duy tu, bảo dưỡng. Ngoài ra, đối với các trụ nước cứu hỏa đơn vị đã có cơ chế điều hành tại trung tâm chỉ huy chữa cháy của Công an thành phố. Khi xảy ra vụ cháy ở khu vực nào đều có số điện thoại để liên lạc, tương tác. Tuy nhiên, để đề phòng hỏa hoạn, người dân cần đặc biệt quan tâm, chú trọng đến việc bảo trì, bảo dưỡng máy móc, trang thiết bị phòng cháy chữa cháy, cũng như thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng tất cả các thiết bị điện, đóng van bình gas khi không sử dụng, không tích trữ xăng dầu trong nhà… để hạn chế thấp nhất rủi ro cháy nổ.