Dân khốn khổ trên đất dự án “treo”

Hơn chục năm nay, hàng trăm hộ dân thuộc tổ dân phố Nhuệ Giang, số 6 và số 3 Miêu Nha, phường Tây Mỗ (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) phải sống trong cảnh nhà ở xuống cấp, môi trường ô nhiễm, hạ tầng nhếch nhác, tạm bợ… mà không được cấp phép xây dựng, làm sổ đỏ. Nguyên nhân là phần đất này đã được quy hoạch làm dự án (DA) nhưng DA thì chưa biết bao giờ mới triển khai?

Hàng trăm hộ dân sống trong cảnh đợi chờ vì dự án “treo”.
Hàng trăm hộ dân sống trong cảnh đợi chờ vì dự án “treo”.

Cả thập kỷ sống trong tạm bợ

Theo báo cáo của UBND phường Tây Mỗ, DA Cụm trường trung học chuyên nghiệp - dạy nghề TP Hà Nội có tổng diện tích 691.955 m², nằm trên địa bàn hai xã Tây Mỗ và Xuân Phương, huyện Từ Liêm trước đây, nay là phường Tây Mỗ, Xuân Phương (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội). Phần đất thuộc diện thu hồi tại Tây Mỗ là 688.919 m², bao gồm 918 hộ, trong đó có 67 hộ đất ở, 451 hộ đất nông nghiệp. Hầu hết những hộ dân ở đây đều ở khu tập thể của các công ty được xây dựng từ những năm 70 của thế kỷ trước với nhà cửa xuống cấp, hạ tầng thấp kém, chật chội.

Ba thế hệ cùng chen chúc trong căn nhà tập thể cũ nát rộng 50 m², bà Nguyễn Thị Hùy, tổ dân phố Nhuệ Giang (phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết: “Năm 1972, tôi được Nhà máy Cơ khí số 5 phân cho căn nhà tập thể ở đây và cùng gia đình sinh sống từ đó đến giờ. Gần 50 năm, căn nhà đã xập xệ, dột nát nhưng do nằm trên đất quy hoạch DA nên không được sửa chữa, làm sổ đỏ”.

Cùng hoàn cảnh với bà Hùy, bà Nguyễn Thị Nguyệt, tổ dân phố Nhuệ Giang bức xúc vì DA đã “treo” đã hơn chục năm nên công trình thoát nước cũng không được đầu tư. Mỗi lần mưa nhà lại ngập, nhất là năm 2008 nước ngập lên nửa nhà. “Dân chúng tôi chấp nhận bỏ tiền ra đầu tư hạ tầng, làm đường cũng không được cấp phép. Qua bao cuộc tiếp xúc cử tri, ngày xưa là thôn, xã, bây giờ lên nội đô là phường, quận, chúng tôi đã liên tục kiến nghị nhưng vẫn chưa có được câu trả lời”.

Cách đó vài trăm mét, Nhà văn hóa tổ dân phố Nhuệ Giang cũng trong tình cảnh “treo” chung với hàng trăm hộ dân thuộc DA. Ông Nguyễn Đức Tín, Tổ trưởng dân phố Nhuệ Giang cho biết: “Khu đất xây nhà văn hóa này do một hộ gia đình hiến tặng và được cư dân góp tiền xây dựng hơn 30 năm nay. Lúc đó, dân cư trong tổ dân phố còn ít, nhu cầu hội họp, văn hóa tinh thần cũng chưa nhiều. Nhưng hiện nay, tổ dân phố đã tăng lên 350 hộ mà diện tích nhà văn hóa vẫn chỉ rộng 28 m² nên không thể tổ chức được buổi hội họp đầy đủ”.

Trách nhiệm thuộc về ai?

Bên cạnh sự lãng phí của một DA rộng 69 ha bỏ hoang hơn chục năm giữa Thủ đô “tấc đất, tấc vàng” là một cuộc sống tù túng, chật chội, ô nhiễm, mất vệ sinh của hàng nghìn con người. Vì sao có sự tréo ngoe như vậy?

Theo tìm hiểu của phóng viên Thời Nay, từ năm 2006, UBND TP Hà Nội đã có Quyết định số 226 Quy hoạch chi tiết Cụm trường Trung học chuyên nghiệp và dạy nghề tại phường Tây Mỗ. Theo đó, gần 69,2 ha đất ruộng và đất ở của nhân dân hai phường Tây Mỗ và Xuân Phương nằm trong quy hoạch. Để thực hiện, ngày 31-12-2008, UBND TP Hà Nội ra Thông báo số 1042, về việc thu hồi đất tại phường Tây Mỗ. Đến ngày 30-11-2009, có Quyết định số 6240 thu hồi gần 69,2 ha đất trên địa bàn hai phường Tây Mỗ và Xuân Phương để giao cho Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố. Từ năm 2010 - 2011, Hội đồng Bồi thường, hỗ trợ tái định cư đã triển khai bồi thường, hỗ trợ cho một số hộ dân nhưng cũng từ đó, các hộ dân không được chủ đầu tư cung cấp bất cứ thông tin chính thức bằng văn bản nào về DA.

Ngày 16-1-2017, UBND TP Hà Nội có Quyết định số 314/QĐ-UBND, nội dung chuyển UBND quận Nam Từ Liêm DA giải phóng mặt bằng (GPMB) và san nền sơ bộ toàn bộ Khu cụm trường Trung học chuyên nghiệp và dạy nghề thành phố từ Trung tâm Phát triển quỹ đất Hà Nội. Nhưng cho đến nay, DA vẫn không có hướng giải quyết tiếp tục thực hiện hay hủy bỏ?

Về phía chính quyền địa phương, ông Trần Văn Hoàn, Phó Chủ tịch UBND phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm cho biết: UBND xã lúc đó và đến nay là UBND phường Tây Mỗ đã rất nhiều lần gửi văn bản yêu cầu quận Nam Từ Liêm đề nghị UBND TP Hà Nội có công văn trả lời rõ ràng tại sao dự án không được tiếp tục? Phường cũng đã nhiều lần kiến nghị, sớm GPMB và xây dựng cơ sở hạ tầng bảo đảm vấn đề an ninh - chính trị - xã hội trên địa bàn, không để đất phung phí cũng như đề nghị cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng tạm thời cho một số hộ gia đình tu sửa nhà cửa, bảo đảm cuộc sống.

Vậy nhưng, mặc những kiến nghị liên tục được gửi đi, DA vẫn “án binh bất động”, đồng nghĩa rằng người dân phải tiếp tục đợi chờ trong cảnh rất nhiều “không”, như: không được đầu tư cơ sở hạ tầng tối thiểu như điện, đường, trường, trạm; không được xây dựng, cơi nới nhà cửa; không được tách thửa; không được chuyển đổi mục đích sử dụng đất; không được thế chấp ngân hàng…