Chênh lệch giới tính Hà Nội giảm

Mục tiêu năm 2019 của TP Hà Nội là tỷ số giới tính khi sinh không quá 113 trẻ trai/100 trẻ gái. Theo kết quả thống kê mới nhất, tỷ lệ giới tính khi sinh của Hà Nội hiện là 112,8 trẻ trai/100 trẻ gái. Như vậy, sáu tháng đầu năm, tỷ lệ chênh lệch giới tính đã giảm so cùng kỳ và đạt chỉ tiêu.

Nhờ triển khai nhiều giải pháp, Hà Nội đã giảm được tỷ lệ chênh lệch giới tính khi sinh.
Nhờ triển khai nhiều giải pháp, Hà Nội đã giảm được tỷ lệ chênh lệch giới tính khi sinh.

Theo báo cáo của Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) Hà Nội, sau nhiều nỗ lực trong công tác dân số, tỷ số giới tính khi sinh của Hà Nội đã giảm từ 114,5 trẻ trai/100 trẻ gái năm 2015 xuống còn 112,8 trẻ trai/100 trẻ gái trong sáu tháng đầu năm 2019. Ước tính hết sáu tháng đầu năm nay, tổng số sinh trên toàn thành phố vào khoảng xấp xỉ 32.500 trẻ, trong đó số trẻ là con thứ ba trở lên là gần 3.590 trẻ. Nhờ triển khai sâu rộng nhiều giải pháp tại 30/30 quận, huyện, thị xã đã giúp cho tỷ lệ giới tính khi sinh của Hà Nội giảm. Tuy nhiên, hiện một số huyện ngoại thành như Sóc Sơn, Quốc Oai, Mỹ Đức..., tỷ lệ chênh lệch vẫn còn ở mức cao.

Tỷ lệ tự nhiên về giới tính khi sinh của con người, theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) là 105 nam/100 nữ. Nếu số trẻ trai quá ngưỡng 105, sẽ có các hệ lụy xã hội về lâu dài. Định kiến giới, “trọng nam, khinh nữ” là nguyên nhân cơ bản dẫn đến mất cân bằng giới tính khi sinh. Đặc biệt, do việc phát triển công nghệ siêu âm xác định giới tính trước sinh khiến tình trạng mất cân bằng giới tính càng tăng. Các chuyên gia dự báo, nếu không có những biện pháp can thiệp kịp thời, dự tính đến năm 2050, Việt Nam sẽ có từ 2,3 - 4,3 triệu nam giới không tìm được vợ.

Theo Sở Y tế Hà Nội, công tác DS-KHHGĐ trong 10 năm qua ổn định là do Đảng và Nhà nước có chính sách đúng đắn về công tác DS-KHHGĐ. Tuy nhiên, giai đoạn này đã bắt đầu bộc lộ những bất cập như chất lượng dân số, cơ cấu dân số, sự phân bổ dân số giữa các vùng, miền đòi hỏi Đảng và Nhà nước cần chuyển hướng về chính sách. Công tác về dân số phải được thay đổi theo chất lượng cơ cấu, quy mô dân số hợp lý để chuẩn bị cho quá trình dân số Việt Nam chuyển từ dân số vàng sang quá trình già hóa dân số. Theo số liệu của WHO, hiện nay, tuổi thọ bình quân của nam ở nước ta là 72,1 tuổi, nữ là 82,3 tuổi, bình quân tuổi thọ là 76,6 nhưng mỗi người già ở Việt Nam đang phải mang trong mình ba loại bệnh, nên mặc dù tuổi thọ bình quân tăng nhưng số năm sống khỏe mạnh lại thấp.

TP Hà Nội đang có những biện pháp nhằm nâng cao chất lượng dân số một cách toàn diện, như phấn đấu tăng chiều cao người Hà Nội ở tuổi 18 đạt 167,5 cm với nam, nữ 156,5cm vào năm 2025; đến năm 2030 nam đạt 169 cm, nữ 158 cm. Đối với tỷ số giới tính thì nhiệm vụ năm 2019 là giữ ở mức 113 trẻ trai/100 trẻ gái, đồng thời giảm tỷ lệ chênh lệch giới tính khi sinh ở những quận, huyện, thị xã có mức chênh lệch cao. Đại diện Sở Y tế Hà Nội cho biết, thời gian tới sẽ tiếp tục chỉ đạo tăng cường công tác truyền thông, giáo dục nâng cao nhận thức về mất cân bằng giới tính khi sinh và thực thi các chính sách giảm thiểu mất cân bằng giới tính. Cùng với đó là tăng cường thanh tra, kiểm tra các cơ sở y tế, nghiêm cấm, xử lý nghiêm các cơ sở cung cấp dịch vụ lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức, kịp thời động viên, tuyên dương các gia đình sinh con một bề là gái tiêu biểu trên địa bàn thành phố.