“Bệnh” thời công nghệ

“Nomophobia” là một thuật ngữ viết tắt của “no mobilephone phobia”. Trong đó, từ “nomo” nghĩa là “no mobile phone” (không điện thoại), còn “phobia” là thuật ngữ tâm lý học miêu tả nỗi sợ. Thuật ngữ này xuất phát từ một nghiên cứu vào năm 2010 của Bưu điện Anh cho thấy gần 53% người sử dụng điện thoại thông minh (smartphone) ở Anh có xu hướng lo lắng khi làm mất điện thoại di động, hết pin, hết tiền hoặc nằm ngoài vùng phủ sóng. Trong đó, khoảng 58% đàn ông và 47% phụ nữ cảm thấy sợ hãi khi điện thoại di động của họ tắt nguồn.

Thời đại công nghệ khiến con người lười giao tiếp. Ảnh: Kênh 14
Thời đại công nghệ khiến con người lười giao tiếp. Ảnh: Kênh 14

Hội chứng “Nomophobia” đang là một “cơn sốt” lây lan trên toàn thế giới. Các số liệu nghiên cứu cho thấy riêng khu vực châu Á có tới 2,5 tỷ người dùng điện thoại di động, trong đó Nhật Bản, Trung Quốc hay Singapore… là một trong những nước có tỷ lệ người mắc chứng nghiện điện thoại di động cao nhất thế giới. Thậm chí Singapore còn có hẳn đội ngũ chuyên gia nghiên cứu chứng bệnh này và thành lập một trung tâm y tế để chữa các bệnh liên quan công nghệ.

Theo TS John Laprose, chuyên ngành An ninh mạng thuộc Đại học North America (Mỹ), nguyên nhân con người ngày càng phụ thuộc smartphone đến mức hành vi này trở thành bệnh trước hết do chính người sử dụng. Việc smartphone ra đời giúp người sử dụng có một vỏ bọc hoàn hảo, thậm chí có phần ngụy tạo để tự tin giao tiếp trên “xã hội ảo”, nhưng lại khó khăn trong giao tiếp thông thường. Điều này diễn ra lâu dài sẽ dẫn đến mất khả năng giao tiếp, thậm chí mắc chứng bệnh tự kỷ. Không những vậy, nó còn có thể gây tổn hại sức khỏe như làm hỏng mắt, hại cột sống và đau cổ…

Trong một nghiên cứu khác của các GS Trường đại học Purdue (Ấn Độ), khoảng 89% số sinh viên đã từng trải qua hiện tượng “tiếng rung ma”, có nghĩa là nghe và cảm thấy tiếng rung của điện thoại, cho dù thực tế máy của họ không hề rung. Nghiên cứu còn chỉ ra rằng những sinh viên này quá phụ thuộc vào các tin nhắn và mạng xã hội, luôn lo lắng khi điện thoại không rung.

“Chúng ta chạm vào smartphone khoảng hơn 2.500 lần/ngày. Như vậy là nhiều hơn 100 lần ta động chạm người ta thương yêu. Lý do lý giải cho con số không thể tưởng tượng trên là vì thiết bị không ngừng gửi rất nhiều thông báo làm người dùng chú ý, chẳng hạn như mỗi lần có ai đó nhắn tin, ứng dụng cần cập nhật, thông tin quảng cáo và nhiều thứ vô bổ khác. “Một khi bạn khởi động smartphone, bạn sẽ không thể dừng sử dụng”, TS John Laprose kết luận.

Theo tạp chí Cyberpsychology, Behavior and Social Networking, những người mắc phải căn bệnh “Nomophobia” có thể tham gia những liệu pháp trị liệu đặc biệt mang tên Trị liệu thanh lọc điện tử (Digital Detox). Biện pháp thanh lọc trị liệu này tập trung vào những sản phẩm công nghệ cao, cách ly người dùng và smartphone để bản thân quen dần với việc không có smartphone bên cạnh.

Ngoài ra, người dùng nên sử dụng một số biện pháp phòng ngừa như tắt toàn bộ các thông báo trên smartphone về tin nhắn hoặc cập nhật ứng dụng. Đặt ra một khoảng thời gian nhất định để kiểm tra toàn bộ chúng hay trực tiếp trò chuyện với bạn bè thay vì nhắn tin hoặc gọi điện.

Điện thoại di động là phát minh vĩ đại khi đem lại rất nhiều lợi ích, nên không có lý do gì phải từ chối sử dụng chúng. Thế nhưng, hãy giữ điện thoại bên mình phòng trường hợp khẩn cấp, nhưng khi bạn ở cạnh người khác, hãy ưu tiên cho họ hơn.