Áp lực giao thông đô thị vẫn nóng

Theo số liệu của Phòng Cảnh sát giao thông (Công an TP Hà Nội), trên địa bàn Thủ đô hiện có khoảng 7,6 triệu phương tiện các loại. Trong đó, có 740.000 xe ô-tô, 5,8 triệu xe máy, 150.000 xe máy điện và hơn một triệu xe đạp điện, chưa kể các loại phương tiện ngoại tỉnh và vãng lai. Điều này cho thấy, lượng phương tiện quá đông trong khi kết cấu hạ tầng giao thông của Thủ đô chưa đáp ứng nhu cầu đã dẫn đến tình trạng quá tải trầm trọng. 

Hạ tầng thiếu đồng bộ khiến giao thông thường xuyên ách tắc. Ảnh: ĐỖ QUÂN
Hạ tầng thiếu đồng bộ khiến giao thông thường xuyên ách tắc. Ảnh: ĐỖ QUÂN

Tắc vẫn hoàn tắc

Để giải quyết bài toán hạ tầng, đã có không ít dự án công trình giao thông được thành phố chú trọng đầu tư, giúp tăng cường kết nối giao thông giữa Thủ đô với các tỉnh lân cận, góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Trong số đó là các dự án đã hoàn thành hoặc đang triển khai như đầu tư xây dựng hoàn chỉnh nút giao đường vành đai 3 với đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng; cầu vượt nút giao giữa đường Hoàng Quốc Việt - Nguyễn Văn Huyên; tuyến đường vành đai 3 đi thấp qua hồ Linh Ðàm; mở rộng đường Âu Cơ; dự án xây dựng đường vành đai 2 (đoạn Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở)… giúp khơi thông các tuyến giao thông huyết mạch Thủ đô. 

Trong những năm qua, công tác đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đã có chuyển biến tích cực. Ðiều này thể hiện rõ qua sự gia tăng tỷ lệ diện tích đất dành cho giao thông tính trên diện tích đất xây dựng đô thị. Mới đây, tuyến đường vành đai 2 đoạn từ Ngã Tư Vọng tới Ngã Tư Sở đã thông xe, nhưng do chưa hoàn thiện đồng bộ toàn tuyến khiến khu vực này xảy ra tình trạng ùn tắc kéo dài. Thực tế, đoạn đường trên cao từ Ngã Tư Vọng tới Ngã Tư Sở chỉ giúp lái xe ô-tô rút ngắn thời gian di chuyển được một đoạn, còn đến các điểm nhập làn xe lên xuống để hòa vào “rừng” phương tiện đang ùn ứ chờ tín hiệu đèn giao thông thì khá khó khăn. 

Điều đáng nói, đèn giao thông tại ngã tư Trường Chinh - Tây Sơn kéo dài 90 giây đèn đỏ, nhưng lại chỉ có khoảng từ 20 đến 40 giây đèn xanh. Khoảng thời gian chờ đợi quá dài khiến các phương tiện di chuyển rất chậm nên thường xuyên rơi vào cảnh ùn ứ cục bộ. Một số người đi đường không đủ kiên nhẫn chờ đợi đã lái xe “trèo” cả lên vỉa hè để đi “chung” với người đi bộ. Tình trạng này dẫn tới xe nọ tranh cướp phần đường của xe kia nên không ít vụ va chạm đã xảy ra. Nhiều người đi qua đoạn đường này đã phải thốt lên rằng, hạ tầng giao thông được mở rộng bao nhiêu thì tình trạng ùn tắc nghiêm trọng đến bấy nhiêu, thậm chí không giúp giảm tải mà còn gây ách tắc thêm. 

Ưu tiên vận tải công cộng

Kinh nghiệm thực tế từ quá trình phát triển đô thị trên khắp thế giới cho thấy, khi đã có quy hoạch rõ ràng, vận tải hành khách công cộng luôn là chìa khóa để giải quyết ùn tắc giao thông, trong đó đường sắt đô thị là “diễn viên chính” và xe buýt là “kép phụ” bổ trợ cho giao thông vận tải của các thành phố lớn.

Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng TP Hà Nội Nguyễn Trọng Thông cho biết, hiện nay chất lượng xe buýt chưa hấp dẫn hành khách vì không thể bảo đảm được tính đúng giờ và tốc độ khai thác. Nếu thành phố không có giải pháp gì cho xe buýt, cứ để chậm dần như hiện nay sẽ dẫn đến hiệu quả sử dụng nguồn vốn đầu tư cho xe buýt ngày càng giảm. Đến một ngày, thành quả của xe buýt mà thành phố đã nỗ lực xây dựng trong gần 20 năm qua sẽ mất và khó so được với phương tiện cá nhân nếu không có sự can thiệp của Nhà nước.

Theo dự báo, dân số Hà Nội sẽ tăng lên tới 10 triệu người vào năm 2030. Vì thế, để đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững, tăng năng lực của hệ thống vận tải khách công cộng thì phương pháp hiệu quả được đề cập nhiều nhất chính là đường sắt đô thị, đặc biệt khi được kết nối đồng bộ với các loại hình vận tải công cộng khác. Theo quy hoạch đến năm 2030, Hà Nội sẽ có tám tuyến đường sắt đô thị với tổng chiều dài khoảng 318 km để kết nối đến các đô thị vệ tinh và vùng ven. Hiện tại, hai tuyến đường sắt đang thi công và sớm đưa vào hoạt động nhanh nhất là tuyến số 2 (đoạn 2A, Cát Linh - Hà Đông) và tuyến số 3 (đoạn Nhổn - Ga Hà Nội). Dự kiến, khi mạng lưới metro của Hà Nội hoàn thiện sẽ gia tăng tỷ lệ người dân sử dụng phương tiện hành khách công cộng tới 35 - 45%, giảm người sử dụng phương tiện cá nhân tham gia giao thông xuống 30%; đóng góp vào sự phát triển kinh tế của khu vực và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân Thủ đô.

Thời gian tới, các cơ quan chức năng cần tiếp tục hỗ trợ, phối hợp với các địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp, ưu tiên thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển vận tải hành khách công cộng… Từ đó, hình thành mạng lưới giao thông các khu vực đô thị quan trọng, đáp ứng nhu cầu, chất lượng vận tải hành khách công cộng. Ngoài ra, Nhà nước cần tăng cường đẩy mạnh công tác tuyên truyền người dân từ hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân chuyển sang sử dụng phương tiện giao thông công cộng để giảm tải áp lực hạ tầng giao thông đô thị.