Tiết kiệm điện trong mùa nóng

Trong tháng 6 này, nhiều đợt nắng nóng gay gắt diện rộng duy trì liên tục ở mức 39 - 40 độ C, khiến nhu cầu sử dụng điện tăng rất cao. Để tránh tình trạng quá tải, vừa qua Tổng công ty Điện lực Hà Nội (EVNHANOI) đã kêu gọi người dân Thủ đô sử dụng các biện pháp nhằm tiết kiệm điện, vừa giảm nguy cơ sự cố, vừa tránh được hóa đơn tiền điện tăng cao.

Bảo dưỡng điều hòa thường xuyên cũng làm giảm điện tiêu thụ.
Bảo dưỡng điều hòa thường xuyên cũng làm giảm điện tiêu thụ.

Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn Quốc gia nhận định, xu thế thời tiết trong tháng 6 tại các tỉnh phía bắc và Thủ đô Hà Nội sẽ liên tiếp xảy ra các đợt nắng nóng kéo dài. Trong đó, Thủ đô Hà Nội là một trong những tâm điểm của đợt nắng nóng này khi nền nhiệt thường xuyên duy trì ở mức hơn 37 độ C. Dự báo đợt nắng nóng diện rộng này còn kéo dài liên tục ít nhất đến ngày 13-6. Như vậy, TP Hà Nội sẽ có 14 ngày nắng nóng diện rộng liên tục và đợt nắng nóng này là dài nhất kể từ năm 1993 tới nay.

Báo cáo của EVNHANOI cho thấy, trong tháng 5 vừa qua, Hà Nội chỉ hứng chịu một đợt nắng nóng duy nhất trong vòng hai ngày (ngày 20 và 21-5) nhưng đã nâng lượng điện tiêu thụ bình quân cả tháng lên mức 62,6 triệu kWh, tăng 45% so tháng 4. Tình hình thời tiết nắng nóng như trên có thể sẽ dẫn tới nhu cầu sử dụng điện tăng cao do sử dụng nhiều thiết bị làm mát. Do vậy, EVNHANOI khuyến cáo khách hàng một số giải pháp nhằm tiết kiệm điện.

Theo đó, đối với các hộ gia đình lựa chọn và sử dụng các thiết bị điện có dán nhãn tiết kiệm năng lượng (càng nhiều sao càng tiết kiệm điện năng), cần thường xuyên vệ sinh bảo dưỡng để thiết bị hoạt động ổn định, tiết kiệm. Với điều hòa, để tiết kiệm điện, người dùng cần để mức nhiệt độ tốt nhất là từ 26 - 28 độ C. Riêng với các thiết bị trong gia đình như đèn, nên sử dụng đèn compact, đèn LED hoặc đèn tuyp gầy T5, T8. Với ti-vi nên chọn màn hình LCD, LED vì tiết kiệm điện năng khoảng từ 30% trở lên so các loại thông thường khác. Với máy tính, chọn chế độ tiết kiệm điện năng trong máy tính (ScreenSave) để vừa đỡ tốn điện vừa bảo vệ được máy. Với tủ lạnh thường xuyên kiểm tra gioăng cao-su ở cánh tủ, không mở tủ lạnh quá lâu, không chứa quá nhiều thực phẩm. Một điều quan trọng nữa với hầu hết các thiết bị kể trên là hãy rút phích cắm khi không sử dụng. Thống kê cho thấy, nếu không rút những thiết bị chưa sử dụng này khỏi nguồn điện, chúng sẽ tiêu thụ khoảng 5% - 10% lượng điện năng tiêu thụ trong gia đình.

Với khối doanh nghiệp sản xuất, nên bố trí kế hoạch sản xuất hợp lý, hạn chế vận hành các thiết bị điện có công suất lớn (máy nghiền, máy nén khí…) vào giờ cao điểm từ 17 giờ - 20 giờ hằng ngày. Mặt khác, đầu tư, cải tiến, thay thế các thiết bị cũ, lạc hậu, hiệu suất thấp bằng các thiết bị có hiệu suất cao và tiết kiệm điện như lắp đặt thêm các máy biến tần cho hệ thống máy nén, điều hòa công nghiệp, quạt gió, mô-tơ có công suất lớn trong dây chuyền sản xuất. Ngoài ra, lắp đặt thêm các thiết bị đo đếm điện năng tại các bộ phận, tổ, đội sản xuất để kiểm soát lượng điện sử dụng.

Ngoài các giải pháp trên, EVNHANOI cho rằng, với cơ chế khuyến khích của Chính phủ hiện nay, khách hàng hộ gia đình và doanh nghiệp sản xuất có thể đầu tư lắp đặt thêm điện mặt trời mái nhà để sử dụng luôn nguồn điện mặt trời tại chỗ, vừa tiết kiệm chi phí tiền điện, vừa làm mát nhà xưởng và có thời gian hoàn vốn đầu tư tốt.