Tăng cường kết nối cung - cầu

Diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 đã khiến tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp TP Hà Nội bị ảnh hưởng nặng nề. Để vừa phòng, chống dịch, vừa bảo đảm duy trì, phục hồi, tạo đà tăng trưởng kinh tế - xã hội với mục tiêu tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) cả năm đạt 6,42%, việc đẩy mạnh các chương trình kết nối cung - cầu, xúc tiến thương mại để tăng sức mua và doanh thu dịch vụ là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu.

Các gian hàng đặc sản vùng miền được người dân Thủ đô quan tâm.
Các gian hàng đặc sản vùng miền được người dân Thủ đô quan tâm.

Tại “Hội nghị kết nối cung cầu, trưng bày giới thiệu sản phẩm hàng Việt” do Sở Công thương TP Hà Nội chủ trì, hầu hết các ý kiến đều cho rằng, đẩy mạnh việc đưa hàng Việt vào thị trường là một trong những giải pháp quan trọng góp phần kích cầu thị trường nội địa, thúc đẩy xuất khẩu, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Đại diện Sở Công thương Hà Nội cho biết, trong những năm qua, thành phố đã triển khai nhiều chương trình hợp tác, liên kết với các địa phương trong cả nước. Đặc biệt, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất của Hà Nội và các tỉnh, thành phố kết nối, góp phần tái khởi động nền kinh tế sau ảnh hưởng của dịch Covid-19, Sở Công thương phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) và Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội tổ chức các gian trưng bày, giới thiệu sản phẩm hàng Việt, với sự tham gia của hơn 200 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh. Từ ngày 28 đến 31-5, tại khu vực Quảng trường Tượng đài Lý Thái Tổ, lần lượt có hơn 50 gian hàng gồm khu vực vườn ươm, khởi nghiệp sáng tạo, khu vực sản phẩm doanh nghiệp chủ lực, khu sản phẩm tiêu dùng, khu vực du lịch, dịch vụ và khu vực thủ công mỹ nghệ phục vụ người tiêu dùng Thủ đô tham quan, mua sắm.

Số liệu thống kê cho thấy, Hà Nội hiện là thị trường tiêu thụ có sức mua lớn với khoảng 10,3 triệu dân đang sinh sống, làm việc và học tập. Cùng với đó là hệ thống tiêu thụ hiện đại, với 25 trung tâm thương mại, 141 siêu thị (chủ yếu tập trung tại các quận nội thành), 455 chợ, hơn 1.000 cửa hàng tiện ích, 786 cửa hàng kinh doanh trái cây an toàn. Nhờ việc kết nối, đưa hàng hóa vào hệ thống phân phối hiện đại, năm 2019, nhiều địa phương đã đạt doanh thu hàng hóa tiêu thụ tại Hà Nội hơn 1.000 tỷ đồng như Bắc Giang, Quảng Ninh, Sơn La, Ninh Thuận... Ngoài ra, có thêm 200 nhà cung cấp mới của các địa phương kết nối đưa được sản phẩm vào tiêu thụ tại các kênh phân phối lớn trên địa bàn thành phố như hệ thống Vinmart, Big C Thăng Long, Saigon Co.op Hà Nội, siêu thị Đức Thành, các chuỗi cửa hàng tiện lợi... Ở chiều ngược lại, hàng hóa, nông sản từ các địa phương tạo nguồn cung dồi dào, đáp ứng nhu cầu cho thị trường Thủ đô, nhất là trong các dịp lễ, Tết. Đặc biệt, nhiều nông sản thực phẩm của các địa phương đã được các doanh nghiệp phân phối của Hà Nội hỗ trợ xây dựng, quảng bá thương hiệu, đưa vào hệ thống bán lẻ hiện đại, từng bước chiếm được niềm tin của người tiêu dùng Thủ đô.

Đại diện các doanh nghiệp tham dự hội nghị đều nhận định cơ hội liên kết, hợp tác thương mại với Hà Nội là rất lớn, đặc biệt trong việc cung ứng, tiêu thụ sản phẩm địa phương. Ngược lại, những thế mạnh của các tỉnh, thành phố cũng sẽ mở ra cơ hội cho doanh nghiệp Hà Nội. Thông qua đây, các doanh nghiệp có cơ hội gặp gỡ, trao đổi, ký kết các thỏa thuận hợp tác có giá trị, tạo kênh tiêu thụ sản phẩm, tạo chuỗi giá trị, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, kết nối cung - cầu cũng như tìm kiếm cơ hội hợp tác, đầu tư.