Ngăn chặn tình trạng tin nhắn rác

Theo Bộ Thông tin & Truyền thông (TT&TT), trong dịp Tết Canh Tý 2020, các doanh nghiệp viễn thông di động đã chặn 1.350.194 tin nhắn rác, mở thêm dung lượng mạng, nâng cao cấu hình các trạm và tăng cường thêm xe phát sóng lưu động tại các điểm tập trung đông người, vì thế không có hiện tượng nghẽn mạng trên diện rộng.

Ngăn chặn tình trạng tin nhắn rác

Về an toàn an ninh mạng, trong dịp Tết không có cuộc tiến công mạng nào gây ảnh hưởng lớn hoặc dẫn đến sự cố nguy hiểm đối với các cơ quan, tổ chức và cộng đồng. Cụ thể, từ ngày 23 đến hết ngày 27-1, Cục An toàn thông tin (ATTT), đã ghi nhận 169 cuộc tiến công mạng vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam, giảm 3% so Tết 2019. Trong đó, có 31 cuộc tiến công thay đổi giao diện, 64 cuộc tiến công lừa đảo, 74 cuộc tiến công cài cắm mã độc. Cục ATTT cũng tiếp nhận 343 phản ánh tin nhắn rác, tăng 15% so Tết 2019. Các doanh nghiệp viễn thông di động đã chặn 1.350.194 tin nhắn rác, tăng khoảng 20% so Tết 2019. Tỷ lệ thông tin tiêu cực về đất nước, con người Việt Nam trong dịp Tết là 8,08%, giảm 0,44% so tuần trước.

Năm 2020 là năm khởi đầu của một thập niên mới, năm kết thúc kế hoạch 5 năm giai đoạn 2016 - 2020, khởi tạo một kế hoạch 5 năm mới giai đoạn 2021 - 2025 và cùng với đó là định hướng chiến lược 10 năm, hướng tới 2030. Theo đó, Bộ TT&TT sẽ chỉ đạo quyết liệt các chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 01 của Chính phủ, tạo sự bứt phá trong năm 2020, nâng cao thứ hạng trong các xếp hạng quốc tế về bưu chính, viễn thông, chính phủ điện tử, công nghệ thông tin và ATTT. Bảo đảm ATTT, tăng cường công tác giám sát hệ thống để kịp thời phát hiện sớm các nguy cơ ảnh hưởng đến an toàn, an ninh mạng, sẵn sàng xử lý khi có sự cố xảy ra. Đồng thời, trong năm nay sẽ báo cáo Chính phủ phương án, lộ trình nâng cao tỷ lệ smartphone tại Việt Nam, hướng tới tắt sóng 2G, đẩy nhanh tiến độ cấp phép khai thác băng tần 2.6 Ghz, triển khai mạng 4G, 5G cho các doanh nghiệp viễn thông. Điều này cũng có nghĩa, Việt Nam sẽ chính thức thương mại hóa 5G vào tháng 6 tới.

Đại diện Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội (Viettel) cho biết, đến tháng 6 năm nay sẽ thương mại hóa 5G Microcell và đến tháng 6-2021 thương mại hóa 5G Microcell trên toàn mạng lưới. Viettel sẽ xây dựng các sản phẩm dân sự, quân sự trên “Hệ sinh thái công nghệ 5G” phát triển và sản xuất tại Việt Nam. Hiện trên thế giới chỉ có năm công ty là Ericsson, Nokia, Huawei, Samsung và ZTE đã sản xuất thành công các thiết bị mạng cho 5G. Trong số các nhà cung cấp kể trên, chỉ có duy nhất Viettel của Việt Nam vừa là nhà khai thác viễn thông, vừa có khả năng tự sản xuất các thiết bị mạng. Theo đó, Viettel sẽ là nhà cung cấp thứ sáu trên thế giới sản xuất thành công thiết bị này với mục tiêu khoảng 70% các thiết bị viễn thông dùng trong mạng lưới.

Số liệu thống kê cho biết, Việt Nam có nhiều thuận lợi để phát triển nền kinh tế số, bởi hiện tại, hơn 70% dân số Việt Nam đang sử dụng điện thoại thông minh, trong đó 70% thuê bao di động đang sử dụng mạng 3G, 4G. Có 68% số người Việt xem video và nghe nhạc mỗi ngày trên thiết bị di động. Tỷ lệ sở hữu điện thoại trung bình là 1,7 máy/người, số người truy cập các trang thương mại điện tử thông qua điện thoại di động chiếm 72% và mua hàng trực tuyến (online) qua điện thoại chiếm 53%.