Chọn nước đóng chai an toàn

Sau sự cố nước sạch Sông Đà ở Hà Nội thì các loại nước đóng chai, đóng bình là mặt hàng được nhiều gia đình lựa chọn để sử dụng. Tuy nhiên, làm thế nào để chọn được đúng sản phẩm an toàn thì không phải người tiêu dùng nào cũng biết.

Chọn nước đóng chai an toàn

Theo Cục An toàn Vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế), quy trình để sản xuất nước đóng bình bảo đảm chất lượng bắt buộc phải trải qua các bước cụ thể như: Nước thô được lọc qua than hoạt tính để khử mùi, sau đó trao đổi ion khử các loại khoáng, tạp chất và vi sinh. Khi qua hệ thống đóng chai phải là môi trường vô trùng, có tia cực tím để chống vi sinh vật. Một sản phẩm nước đóng chai muốn được chứng nhận bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm phải được kiểm định 14 tiêu chí về lý, hóa, vi sinh. Ngoài ra, sau khi nước được xử lý bằng thiết bị lọc thì phải bảo đảm 28 tiêu chí trước khi chiết vào bình.

Thực tế trên thị trường, một số doanh nghiệp tìm mọi cách để giảm chi phí sản xuất, loại bỏ khỏi dây chuyền một số thiết bị hoặc sử dụng bình không bảo đảm vệ sinh đựng nước. Để xác định nước có nhiễm bẩn hay không, người ta dựa trên các chỉ tiêu lý, hóa, vi sinh và độc chất - kim loại nặng từ các mẫu nước khi đem đi phân tích.

Cụ thể, các loại nước giếng khoan không được đưa qua hệ thống lọc dễ có sự xuất hiện của vi khuẩn E. coli gây tiêu chảy, viêm đường ruột và những kim loại nặng như chì, thủy ngân độc hại, khi sử dụng lâu ngày tích lũy trong cơ thể có khả năng gây bệnh ung thư. Các cặn đồng, sắt do máy móc thiết bị thô sơ, cũ để lại trong nước là điều khó tránh khỏi tại những cơ sở sản xuất trang bị sơ sài, nếu không xử lý triệt để cũng là nguy cơ gây bệnh cho người sử dụng.

Số liệu thống kê cho thấy, trên địa bàn TP Hà Nội hiện có hơn 500 cơ sở sản xuất nước uống đóng chai, đóng bình và nước đá dùng liền. Với thị trường nước đóng chai phong phú như hiện nay, người tiêu dùng thông thái là người kiên quyết không lựa chọn các sản phẩm nước đóng chai, đóng bình không có địa chỉ, không công bố chất lượng sản phẩm rõ ràng, cũng như không bảo đảm đủ các điều kiện về an toàn vệ sinh thực phẩm được Bộ Y tế quy định.

Theo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP Hà Nội, khi mua hàng, cần xem nhãn mác có đầy đủ các nội dung như: tên sản phẩm; tên, địa chỉ cơ sở sản xuất chịu trách nhiệm về hàng hóa; định lượng của sản phẩm; thành phần cấu tạo; chỉ tiêu chất lượng chủ yếu; ngày sản xuất, thời gian sử dụng, thời hạn bảo quản; hướng dẫn bảo quản, hướng dẫn sử dụng; xuất xứ của sản phẩm... và nên mua ở các cửa hàng uy tín hay siêu thị, bởi đây là những nơi chấp hành đầy đủ các điều kiện kinh doanh thực phẩm, bảo đảm vệ sinh, an toàn. Không dùng các sản phẩm đã quá hạn sử dụng hoặc có dấu hiệu bất thường như vẩn đục, có cặn hay mầu sắc khác lạ.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng không nên lạm dụng nước tinh khiết bởi chúng thường được xử lý qua hệ thống thẩm thấu ngược, tiệt trùng bằng ozone và tia cực tím UV hoặc trao đổi ion nên sẽ lọc đi các khoáng chất. Nếu sử dụng lâu dài thì cơ thể sẽ thiếu khoáng chất và sinh bệnh thiếu vi chất (do 50% khoáng chất của cơ thể được bổ sung qua đường uống). Chính vì vậy, theo các chuyên gia sức khỏe, nước máy đạt tiêu chuẩn đun sôi được cho là tốt nhất cho sức khỏe.