Ăn uống ở cửa hàng tiện lợi

Khoảng ba năm trở lại đây, trong khi doanh số của các siêu thị có dấu hiệu chậm lại thì phân khúc cửa hàng tiện lợi khá sôi động. Khảo sát mới đây của hãng nghiên cứu thị trường Nielsen về xu hướng mua sắm tại TP Hồ Chí Minh và Hà Nội cho thấy người tiêu dùng chọn mua sắm tại kênh tiện lợi đã tăng từ 5% lên 16%. Vậy đâu là nguyên nhân các cửa hàng tiện lợi đang trở thành địa chỉ mua sắm yêu thích của nhiều người trẻ?

Không chỉ đồ ăn mặn, bạn có thể tìm thấy cả đồ ăn chay ở cửa hàng tiện lợi.
Không chỉ đồ ăn mặn, bạn có thể tìm thấy cả đồ ăn chay ở cửa hàng tiện lợi.

Đầu tư vào ẩm thực đang là xu hướng kinh doanh mới của những cửa hàng tiện lợi. 7-Eleven là chuỗi cửa hàng tiện lợi có mặt tại Việt Nam muộn nhất tính tới thời điểm này và cũng không phải là chuỗi đầu tiên đầu tư cho mảng ẩm thực. Trước đó, nhiều chuỗi khác như Vinmart+, Circle K, B’s Mart, Ministop, Family Mart cũng bố trí, mở rộng không gian ăn uống, phục vụ các món ăn đơn giản. Một số cửa hàng của Circle K còn bán cơm tự chọn gồm những món phổ biến và doanh thu từ mảng thực phẩm này khá lớn.

Khai trương cửa hàng đầu tiên vào ngày 15-6, tại TP Hồ Chí Minh, ngoài những dòng sản phẩm được nhập khẩu trực tiếp từ nước ngoài, 7-Eleven còn thiết kế riêng cho thị trường Việt Nam danh mục hơn 100 món ăn tươi ngon, đa dạng, linh hoạt thay đổi theo nhu cầu trong ngày. Đó là những món ăn quen thuộc với đời sống như thịt kho trứng, xíu mại, bò kho, gà xé phay, rau xào, bánh cuốn, xôi, bánh mì thịt, bún thịt nướng, bánh ngọt thậm chí những món ăn vặt hè phố như bắp xào, hột vịt lộn xào me, gỏi cuốn, chè các loại, nước ngọt hay một số món chay cũng được đóng gói sẵn để phục vụ theo nhu cầu đa dạng của khách. Thực đơn thường xuyên thay đổi, giá bán trên dưới 50.000 đồng/món đã có sức hút mạnh mẽ với những người tiêu dùng trẻ. “Tôi làm việc tại toà nhà này. Việc 7-Eleven có menu đồ ăn nhanh với những món ăn khá ổn đã thu hút khá nhiều nhân viên công sở xuống mua thực phẩm cho bữa trưa. Món ăn khá đa dạng và giá cả hợp lý nên thay vì phải đi xa để ăn thì nhiều người chọn mua đồ ăn tại các cửa hàng tiện lợi”, anh Trần Văn Tuấn, nhân viên toà nhà Saigon Trade Center (37 Tôn Đức Thắng, quận 1, TP Hồ Chí Minh) cho biết.

Theo ông Vũ Thanh Tú, CEO 7-Eleven, thì tại Việt Nam nhìn nhận người tiêu dùng Việt có nhu cầu rất lớn về thực phẩm sạch trong khi cửa hàng tiện lợi có nhiều lợi thế kinh doanh mặt hàng này nhưng lâu nay vì nhiều lý do các chuỗi này chưa mặn mà trong việc tạo sự khác biệt bằng ẩm thực. “7-Eleven sẽ tập trung khai thác nhu cầu ăn uống của giới trẻ. Sản phẩm ẩm thực của chúng tôi không sử dụng bột ngọt, bột nêm tuy cũng có ý kiến khen chê nhưng sự mới lạ và quan trọng là chất lượng, an toàn thực phẩm nên phần nào được người tiêu dùng tin tưởng” - ông Tú nói.

Trước những lo ngại việc 7-Eleven chú trọng vào mảng thực phẩm ăn liền sẽ “càn quét” các phân khúc cửa hàng tiện lợi khác, nhiều ý kiến cho rằng không nên quá lo lắng. Những doanh nghiệp có chiến lược tốt, triển khai nhanh hơn và đầu tư bài bản sẽ có nhiều cơ hội chiến thắng trong dài hạn.

Thống kê cho biết tính đến tháng 4-2017, Việt Nam có khoảng 1.600 cửa hàng thực phẩm tiện lợi của 10 thương hiệu lớn. Số cửa hàng mới được bổ sung liên tục do các chuỗi không ngừng mở rộng để giành thị phần do thói quen mua sắm của người Việt đang thay đổi từ chợ vào tiệm. Các chuyên gia dự đoán sau “cú hích” của 7-Eleven, các chuỗi cửa hàng tiện lợi khác tại Việt Nam sẽ đầu tư nhiều hơn cho mảng ẩm thực nên sẽ là cơ hội kinh doanh cho các nhà sản xuất thực phẩm trong nước.