“Tuổi thọ” của mỹ phẩm

Không như những sản phẩm gia dụng có ghi rõ ngày tháng hết hạn trên bao bì, “tuổi thọ” và hạn sử dụng của mỹ phẩm được tính từ lúc mở nắp, bóc niêm phong sử dụng. Ngoài ra, còn có những cụm từ quan trọng khác mà không phải ai cũng nắm rõ. Các chuyên gia làm đẹp của tạp chí Vogue sẽ mách bạn hiểu thêm về các thuật ngữ có trên bao bì mỹ phẩm cũng như thời hạn sử dụng của chúng.

“Tuổi thọ” của mỹ phẩm

Expiration date (EXP): Ngày hết hạn được in phía dưới hoặc gần vùng nắp. Sản phẩm có thời gian sử dụng dưới 30 tháng bạn sẽ nhìn thấy chữ “Used by”, “Best by” hoặc EXP.

Manufacture date (MFG): Thông tin về ngày, tháng và năm sản xuất. Những sản phẩm có thời gian sử dụng hơn 30 tháng không cần ghi hạn sử dụng trên bao bì. Do vậy, cách tốt nhất là bạn nên kiểm tra thông tin về mã lô sản xuất (Batch Code) để tính được thời gian sử dụng.

Period After Opening (PAO): Hạn sử dụng mỹ phẩm sau khi mở nắp. PAO thường xuất hiện ở mặt sau hoặc gần đáy sản phẩm. Nếu trên bao bì ghi là 12M có nghĩa là mỹ phẩm này có thể sử dụng trong 12 tháng. Nếu một số loại không ghi dòng PAO thì hạn sử dụng mỹ phẩm thông thường sẽ là ba năm.

Sữa rửa mặt: Thời hạn sử dụng tối ưu nhất của sữa rửa mặt là khoảng 6-12 tháng sau khi mở nắp.

Kem dưỡng ẩm: Tùy thành phần hoặc thiết kế bao bì mà thời hạn sử dụng kem dưỡng ẩm sẽ khác nhau. Nếu là dạng kem trong vòi bơm hoặc tuýp, bạn có thể bảo quản trong vòng 12 tháng. Với các sản phẩm đựng trong chai, lọ cần dùng tay để lấy thì hạn sử dụng ngắn hơn, chỉ từ sáu đến chín tháng.

Kem chống nắng: Các loại kem chống nắng đều có ghi ngày hết hạn trên bao bì. Thông thường, kem chống nắng chỉ dùng trong một mùa, tối đa là sáu tháng.

Serum: Hạn sử dụng tối đa của serum chỉ khoảng từ sáu đến chín tháng kể từ ngày mở nắp.

Mascara: Vi khuẩn thường xuyên trú ngụ ở phần đầu chuốt của mascara. Vì thế, bạn nên thay đồ trang điểm này ba tháng/lần.

Phấn má hồng và phấn tạo khối: Các sản phẩm này thường không chứa dầu và nước nên có “tuổi thọ” cao hơn các mỹ phẩm trang điểm khác là hai năm.

Son môi: Chất bảo quản có trong son môi sẽ hết tác dụng trong vòng 12 tháng. Nếu bạn không nhớ đã mua thỏi son được bao lâu thì hãy ngừng sử dụng nếu kết cấu của son bị vón cục hay đổ mồ hôi.