Tham vọng của Lanvin

Sau khoản lỗ hàng chục triệu euro, liên tục thay đổi nhà thiết kế, trải qua vài năm trắc trở và khó khăn trên thị trường, thương hiệu thời trang Lanvin đang nuôi tham vọng trở lại thời huy hoàng.

Tham vọng của Lanvin

Trong thông cáo phát đi, Lanvin cho biết họ dường như nhìn thấy hy vọng thay đổi cục diện nhờ vào doanh số vượt trội tại thị trường Trung Quốc thông qua  thương mại điện tử và phát triển mặt hàng phụ kiện.

Lanvin được Fosun Fashion Group (Trung Quốc) mua lại từ năm 2018. Đây cũng là chủ sở hữu của hàng loạt thương hiệu khác như St. John Knits, Caruso, Wolford và Tom Tailor. Tuy nhiên, kể từ sau thương vụ đình đám này, Lanvin hiện vẫn chưa thể mang lại lợi nhuận cho công ty mẹ nhưng Tập đoàn Fosun vẫn chứng tỏ sự kiên định của mình.

Lanvin trải qua không ít sóng gió sau khi chia tay nhà thiết kế tên tuổi Alber Elbaz vào năm 2015. Vị trí này lập tức được trao cho Bourchra Jarrar, người sau đó rời đi và để lại hai BST. Tiếp đó là Olivier Lapidus cũng ra đi sau hai mùa cống hiến. Doanh số của Lavin tụt dốc từ 143 triệu euro (2015) xuống còn 41 triệu euro (2019) theo những báo cáo công khai. Trong khi ở nhiệm kỳ của Elbaz vào năm 2012, con số này đã từng đạt 200 triệu euro.

Tuy nhiên, Fosun cho biết, họ không quá kỳ vọng vào một cuộc nhảy vọt tức thì từ công ty con. Lanvin hiện đang nỗ lực thu hút lại khách hàng và mở rộng thêm khách hàng mới. Tập đoàn Fosun Fashion cũng nhận thức về tầm quan trọng của nhiệm vụ này, đặc biệt trong thời kỳ đại dịch. Đại diện tập đoàn cho biết: “Năm 2018 - 2019 là bước đệm để xây dựng những nền tảng cần thiết cho cú bật vào các năm tiếp theo, nhưng năm 2020 đại dịch ập đến và làm ngưng lại mọi hoạt động, chúng tôi cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên, Lanvin đang có những nỗ lực nhất định để khởi động lại và từ đó thúc đẩy đưa thương hiệu đi lên”.

Nhiều nhà phân tích thời trang cũng nhận định mức độ khó khăn của các thương hiệu cao cấp do đại dịch Covid-19 mang lại. Với Lanvin, số lượng cửa hàng trên toàn thế giới là 27, doanh thu của hãng vẫn đến phần lớn từ việc “bán buôn”, chiếm 83% tổng doanh số, đồng nghĩa hãng có nguy cơ bị tổn thương trong đại dịch. Vì vậy, trong thời điểm này, khả năng cảm ứng chính xác với thị trường là điều bắt buộc. Nhưng có thể điều này càng khó khăn hơn với một tập đoàn còn non trẻ trong ngành hàng xa xỉ như Fosun.

Bạn có biết?

- Mới đây, đội ngũ quản lý của Lanvin đã tái cơ cấu tổ chức sau sự ra đi của Trưởng bộ phận điều hành Jean-Philippe Hecquet vào tháng 3-2020. Theo đó, tập đoàn Fosun đã bổ nhiệm hai phó giám đốc, phụ trách khu vực các nước Tây Âu và trụ sở ở Paris, khu vực châu Á - Thái Bình Dương và đưa ra một loạt các hình thức tiếp thị mạnh tay. Cùng với đó, việc đầu tư rộng rãi phối hợp cùng chiêu thức tiếp thị thông minh trên mạng Douyin (Tiktok) và Little Red Book đã cho thấy hiệu quả tức thì. Doanh thu từ thị phần Trung Quốc đã tăng từ 20 - 30% lên đến 50% tổng doanh thu bán lẻ ngay trong giai đoạn dịch bệnh. Hạng mục phụ kiện cũng là một nhân tố giúp hãng tăng trưởng doanh thu. Những sản phẩm này hiện đang giữ 20 - 30% lượng bán ra và có khả năng đạt tới 50% trong tương lai. Một chiến dịch quảng cáo có sự tham gia của ngôi sao Paris Hilton cũng được hé lộ sẽ diễn ra vào tháng này.

- Sáp nhập Fosun Fashion Group, Lanvin được hưởng lợi từ việc là một phần của Tập đoàn Fosun International. Trong thông báo mới nhất, Tập đoàn Fosun cho biết, họ vẫn theo dõi các cơ hội thu mua sáp nhập mới, đặc biệt là các công ty công nghệ may mặc và thương hiệu chất lượng để bổ sung vào danh mục đầu tư.