Supreme “quy hàng” VF Corporation

Nộp đơn phá sản, thu gọn cửa hàng và sang tên, sáp nhập là những tác hại mà dịch Covid-19 đã gây ra đối với ngành thời trang trong năm 2020. Sau khi Tập đoàn LVMH cho biết vẫn sẽ thu mua lại thương hiệu Tiffany&Co, Alibaba và Richemont cùng đầu tư vào Farfetch - công ty chuyên bán hàng xa xỉ trực tuyến, thì vừa qua, “ông vua” đồ thể thao đường phố Supreme cuối cùng cũng đã về tay Tập đoàn VF Corporation.

Supreme “quy hàng” VF Corporation

Supreme được nhiều người đặt cho biệt danh là “Chanel của giới thời trang đường phố (streetwear)” vì số lượng sản xuất giới hạn luôn gây hưng phấn cho dân chơi streetwear (còn gọi là cộng đồng hypebeast). Supreme không có nhiều cửa hàng, chỉ có 12 địa điểm toàn cầu, lại toàn ở những góc khuất. Thế nhưng, mỗi khi thương hiệu thông báo ra sản phẩm, các fan sẽ xếp hàng từ nửa đêm hôm trước để có cơ hội sở hữu sản phẩm ấy. Sau đó, các mặt hàng này sẽ được chuyển nhượng trên những website bán hàng sang tay với mức giá cao gấp 5 đến 10 lần. Sức nóng của cái tên Supreme khiến hàng loạt thương hiệu, từ bình dân đến cao cấp đều muốn cộng tác với hãng. Từ giày Nike, quần jean Levi’s, đến nhãn hàng cao cấp Louis Vuitton (trong ảnh) hay thương hiệu vali đắt đỏ Rimowa… là một số thí dụ. Tưởng như Supreme sẽ vĩnh viễn giữ vị thế là một hãng thời trang độc lập, không trực thuộc bất cứ tập đoàn nào. Nhưng cuối cùng, James Jebbia, nhà sáng lập cho biết đã chính thức bán Supreme cho tập đoàn VF Corporation với giá 2,1 tỷ USD.

Việc mua lại một trong những nhãn hiệu thời trang đường phố nổi bật nhất là một bước tiến có tính toán đối với VF, tập đoàn đang sở hữu các thương hiệu Vans, The North Face và Timberland. Sau vụ mua bán, VF cho biết sẽ chú trọng sự phát triển của streetwear đang được định giá  lên đến 50 tỷ USD bên cạnh các mảng đồ vận động và hoạt động ngoài trời để mở rộng đối tượng trong phân khúc khách hàng. 

Do tập đoàn VF là một công ty đã có mặt trên sàn chứng khoán nên phần lớn giới đầu tư đều ủng hộ việc VF thâu tóm Supreme. Nhiều ý kiến cho rằng, vì streetwear là một nét văn hóa đi đôi với nhạc hip-hop, rap, R&B mà nay đang là thời của dòng nhạc này. Khi thị phần streetwear đủ chín chắn, nó sẽ lột xác, thoát khỏi cái mác ngông nghênh của giới trẻ nổi loạn để gia nhập các tập đoàn lớn. Cũng như rap và hip-hop đang cố thoát khỏi “cái bóng” underground để trở thành một dòng nhạc thị trường.