Nhân vật hoạt hình trên đồ hiệu

Tháng 1 vừa qua, Loewe đã hợp tác cùng Studio Ghibli để tạo nên bộ sưu tập (BST) phụ kiện và thời trang, với các nhân vật hoạt hình huyền thoại Totoro (Nhật Bản), trong khi Gucci đã phát triển BST với nhân vật chú mèo máy Doraemon còn Balenciaga thì ra mắt phụ kiện Hello Kitty tại show diễn Xuân - Hè. Các nhân vật hoạt hình nổi tiếng của châu Á trên các BST thời trang đồ hiệu ngày càng được các thương hiệu ưu ái sản xuất nhiều hơn.

Nhân vật hoạt hình trên đồ hiệu

Trong bài viết trên tờ Voguebusiness.com, nhiều phân tích cho rằng, sở dĩ các thương hiệu thời trang danh tiếng chọn những nhân vật hoạt hình để in lên quần áo là muốn tạo cảm giác hoài niệm - điểm chạm khi kết nối cảm xúc với khách hàng châu Á nói chung và thị trường Trung Quốc nói riêng. Trung Quốc được dự đoán sẽ trở thành thị trường tiêu thụ hàng xa xỉ lớn nhất toàn cầu vào năm 2025, điều này khiến cho các thương hiệu thời trang phương Tây đang nỗ lực trong việc thúc đẩy doanh số. Với các thương hiệu, không gì khác hơn việc đem đến những bộ quần áo có khả năng chạm đến cảm xúc của người dùng.

Cụ thể, Balenciaga, cùng với Loewe và Gucci, đã tập trung vào các nhân vật hoạt hình Nhật Bản và Disney trong những BST mới. Theo các chuyên gia, văn hóa Nhật Bản có ảnh hưởng vào những năm 90 và đầu những năm 2000 tại Trung Quốc. Vì vậy, khi BST Hello Kitty của Balenciaga ra mắt đã nhanh chóng bán hết. Bên cạnh đó, giới trẻ Trung Quốc cũng xem phim hoạt hình Disney do Mỹ sản xuất. Do vậy, khi Gucci giới thiệu BST chú chuột Mickey hay chú vịt Donald trong BST Epilogue bao gồm ví, túi xách, va-li, giày thể thao cho đến quần áo cho cả nam và nữ cũng được công chúng đón nhận.  

Theo phân tích, Hello Kitty vẫn là một nhân vật có sức hấp dẫn trên một loạt các thương hiệu. Với việc người tiêu dùng châu Á có tầm ảnh hưởng lớn trong lĩnh vực xa xỉ, lượng khách mua dành cho các nhân vật này đã tăng 14% so cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, lạm dụng cảm giác hoài niệm cũng có thể nảy sinh vấn đề. BST Doraemon dẫu có người mua nhưng vẫn có ý kiến chê những thiết kế của Gucci “là một sản phẩm cắt và dán lười biếng”.

Nhiều ý kiến cho rằng, dẫu tiềm năng nhưng thị trường châu Á nói chung khá phức tạp. Các thương hiệu muốn thành công và được yêu mến phải bảo đảm họ đang thấu hiểu đúng văn hóa bản địa, chứ không nên áp đặt tư duy sai lầm có thể gây hại, mà câu chuyện Dolce & Gabbana với quảng cáo người mẫu ăn pizza bằng đũa gây khủng hoảng truyền thông vẫn còn là bài học.

Bạn có biết?

Ưu tiên cho châu Á

- Năm nay, do ảnh hưởng dịch Covid-19, phần lớn người dân châu Á sẽ hạn chế đi du lịch. Do đó, những khoản chi tiêu này sẽ được dùng vào việc mua sắm và hàng xa xỉ là một trong số đó. Nắm bắt tình hình, chiến lược ưu tiên cho thị trường châu Á của hãng Loewe đã thật sự gây ấn tượng cho giới mộ điệu.

- Theo đó, Loewe đã triển khai chiến dịch của mình ở Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc trước các thị trường khác. Nhà mốt Tây Ban Nha đã tổ chức cửa hàng pop-up tại trung tâm mua sắm IFC của Hồng Công (Trung Quốc), Matsuya (Tokyo, Nhật Bản) và The Galleria Luxury Hall East (Seoul, Hàn Quốc). BST của Loewe bao gồm các thiết kế dễ mặc dành cho cả nam, nữ, túi xách và phụ kiện. Lấy cảm hứng từ bộ phim hoạt hình nên mầu sắc tươi vui, trẻ trung, các thiết kế từ túi xách (trong ảnh), áo thun, áo hoodie, áo khoác len đến quần cullotes, chân váy xòe hay áo khoác da biker… đều mang kiểu dáng thoải mái, phóng khoáng hòa với thiên nhiên.

- Giám đốc sáng tạo của Loewe, Jonathan Anderson đã chia sẻ BST này “tôn vinh chất thơ và tính biểu tượng của các nhân vật”, nhằm chuyển tải thông điệp của “sự thanh bình như trong mơ, sự sáng tạo, sự hòa nhập với thiên nhiên và đánh thức đứa trẻ bên trong của mỗi người”.