“Giặt” đồ da đúng cách

Các sản phẩm làm từ da luôn được ưa chuộng bởi độ bền và sự sang trọng. Tuy nhiên, khí hậu nóng ẩm nước ta dễ khiến da sau một thời gian sử dụng bị mốc hay có mùi khó chịu. Ngoài sự trợ giúp của các “spa đồ da”, bạn nên biết một vài mẹo nhỏ để vệ sinh, bảo quản chúng luôn được mới và bền đẹp tại nhà.

“Giặt” đồ da đúng cách

Giày da: Không nên “giặt” giày trực tiếp dưới nước mà chỉ nên chùi ở những nơi dính bẩn. Lúc này, những đôi giày da bóng sẽ dễ dàng được lau chùi với sữa tắm trẻ em hòa cùng nước ấm. Nếu vết bẩn “cứng đầu” hơn, bạn có thể dùng xăng, acetone, rượu hoặc kem đánh răng cùng bàn chải mềm để đánh bay. Với giày da lộn, bạn cần sắm một bàn chải chuyên dụng để tránh làm hư hại bề mặt da mỗi lần vệ sinh.

Túi da: Có thể vệ sinh tương tự như giày nhưng không cần thường xuyên. Không nên lau túi da bằng giấy ướt vì hóa chất có thể khiến túi dễ phai mầu, bong tróc.

Quần, áo da: Nên giặt bằng tay với nước ấm và sữa tắm trẻ em để món đồ luôn được chăm sóc dịu nhẹ nhất. Sau khi đã giặt sạch, xả kỹ với nước, vắt nhẹ và đem phơi ở nơi thoáng gió. Chú ý không nên vặn xoắn quá mạnh khi vắt tránh tạo nếp hằn hay vết nứt mất thẩm mỹ. Nếu món đồ có kết đinh tán hoặc phụ kiện bằng kim loại, hãy kiểm tra độ khô trước khi cất vào tủ để tránh tình trạng rỉ sét. Lưu ý quá trình bảo quản da sau khi sử dụng có thể ảnh hưởng đến phom dáng, chất lượng bề mặt cũng như tuổi thọ của chúng.

Khử mùi cho đồ da: Hòa 5 gr baking soda với một lít nước ấm và ngâm quần, áo, túi khoảng 30 phút trước khi giặt. Baking soda hoạt động tương tự như một chất tẩy rửa tự nhiên không gây hại cho chất liệu da và khử mùi rất tốt.

Nấm mốc: Nếu đồ da bị nhiễm mốc, bạn có thể pha 250 ml dung dịch cồn (rubbing acohol) với 250 ml nước. Dùng vải mềm thấm hỗn hợp tẩy rửa lau chùi nhẹ ở vị trí bị mốc. Với những vết mốc “cứng đầu”, bạn có thể pha thêm dung dịch từ nước và xà-phòng tắm. Dùng khăn sạch lau khô dung dịch trên lớp da và để khô tự nhiên.

Vết dầu mỡ: Đây là một trong những vết bẩn khó tẩy nhất trên đồ da. Bạn có thể dùng phấn rôm hoặc phấn viết bảng như một loại chất hút sạch dầu. Làm ẩm phần bị bẩn, rắc bột phấn lên vị trí cần làm sạch và để ở nơi khô thoáng một ngày, sau đó lấy ra rũ phần bột và lau lại bằng khăn sạch.