Phương pháp mới xử lý rác thải nhựa

Các loại rác thải từ nhựa và hợp chất tổng hợp thường được tiêu hủy bằng cách chôn hoặc đốt. Song, các nhà khoa học gần đây đã phát hiện một chủng vi khuẩn có thể phân hủy các hợp chất có hại trong nhựa, được xem là một bước tiến mới hướng tới việc giảm lượng nhựa gây ô nhiễm môi trường.

Xử lý rác thải nhựa là bài toán khó ở nhiều quốc gia. Ảnh: AP
Xử lý rác thải nhựa là bài toán khó ở nhiều quốc gia. Ảnh: AP

Xử lý rác thải nhựa từ lâu đã là một bài toán làm đau đầu các nhà chức trách và giới khoa học. Ở nhiều nước, rác thải nhựa được chôn vào lòng đất và việc làm này gây lo ngại khi các hạt vi nhựa ngấm vào đất và nguồn nước, gây hại cho sức khỏe con người. Trong khi đó, công nghệ xử lý nhựa khép kín để tránh xả khói độc ra môi trường, lại tốn kém và khó đầu tư trên diện rộng. Nhiều quốc gia đã “chọn” giải pháp chở rác thải nhựa sang tập kết ở nước khác. Các phương pháp này đều vấp phải sự phản đối tại các địa phương phải tiếp nhận rác thải. 

Trước tình hình trên, một nhóm các nhà nghiên cứu tại Trung tâm nghiên cứu môi trường Helmholtz ở Leipzig (Đức) đã phát hiện loại vi khuẩn có tên là Pseudomonas putida từ các mẫu đất lấy tại một bãi rác tập kết rác thải nhựa. Dưới kính hiển vi, họ phát hiện vi khuẩn này có thể “ăn” được polyurethane – loại hóa chất “chống ăn mòn” thường dùng để phủ lên nhiều loại vật liệu và sản phẩm khác nhau. Polyurethane có mặt khắp mọi nơi, nó được sử dụng rộng rãi trong vật liệu xây dựng, nệm, phụ tùng xe hơi, quần áo, giày dép… Các vi khuẩn Pseudomonas putida có thể làm phân rã các hợp chất này thành carbon, nitơ và giải phóng năng lượng. 

Theo nhà khoa học H.Heipieper, tác giả nghiên cứu đề tài này cho biết, polyurethane còn đóng vai trò như một “chất bảo vệ” khiến cho các chất ô nhiễm khác không phân hủy được và cứ tồn tại lâu dài một khi đã vào trong cơ thể. Do các loại vi khuẩn thông thường không thể phân hủy được các hợp chất này, nên nó tích tụ dưới dạng ô nhiễm nhựa trong môi trường và trong chuỗi thức ăn, từ đó gây bệnh.

Vì vậy, nghiên cứu tìm ra loại vi khuẩn có thể “ăn” được rác thải nhựa hiện nay được xem là phương pháp xử lý rác thải nhựa sinh học, có ý nghĩa thực tiễn quan trọng. Các nhà khoa học đang lên kế hoạch nhân rộng loại vi khuẩn có lợi này để giúp tiêu hủy hàng nghìn tấn rác thải nhựa còn tồn đọng trong các bãi rác ở Đức cũng như nhiều nơi khác trên thế giới.