Làm rõ khái niệm sữa tươi

Vài năm qua, khái niệm “sữa tiệt trùng” dùng để chỉ các loại sữa dạng lỏng làm từ sữa bột khiến người tiêu dùng nhầm lẫn với sữa tươi, ảnh hưởng quyền được minh bạch thông tin, thiếu cơ sở để khách hàng lựa chọn đúng sản phẩm. Bộ Y tế cho biết sắp tới sẽ ban hành quy định bãi bỏ khái niệm sữa tiệt trùng để thay bằng các khái niệm sữa hoàn nguyên, sữa pha lại và sữa hỗn hợp.

Làm rõ khái niệm sữa tươi

Theo dự thảo của Bộ Y tế, sữa dạng lỏng được phân thành bảy loại, trong đó quy định rạch ròi nhóm sữa tươi và sữa tiệt trùng, giúp người tiêu dùng hiểu được bản chất của từng loại sữa, tránh nhầm tưởng các loại sữa dạng lỏng đều là sữa tươi. Theo đó, Bộ sẽ bỏ khái niệm sữa tiệt trùng như quy định hiện nay thay vào đó là sữa hoàn nguyên, sữa hỗn hợp và sữa pha lại.

Cụ thể, sữa hoàn nguyên là sản phẩm sữa dạng lỏng được chế biến chủ yếu từ nước với sữa bột, sữa cô đặc. Sữa pha lại có pha trộn chất béo sữa và chất khô của sữa không béo, bổ sung hoặc không bổ sung nước. Sữa hỗn hợp là sản phẩm được chế biến chủ yếu từ hỗn hợp của hai hay nhiều loại sữa. Sữa tươi cũng được phân biệt thành sữa tươi nguyên chất (không bổ sung bất cứ thành phần nào của sữa, phụ gia thực phẩm...) và sữa tươi (có thể bổ sung đường và các loại nguyên liệu như nước quả, vi chất dinh dưỡng, phụ gia thực phẩm...).

Lý giải cho việc cần thiết phải thay đổi khái niệm sữa tiệt trùng, một số chuyên gia nhận định sữa tươi nguyên liệu được sản xuất trong nước mới chỉ đáp ứng khoảng 30% nhu cầu, số còn lại phải nhập khẩu sữa bột. Do thiếu nguyên liệu, nhiều doanh nghiệp (DN) nhập khẩu sữa bột về để pha thành sữa nước, còn gọi là sữa hoàn nguyên và đánh tráo khái niệm, bán nhập nhèm dưới dạng sữa tươi. Như vậy, giá sẽ rẻ hơn, sản xuất nhanh hơn và DN được lợi hơn. Ngoài ra, một số chuyên gia cũng cho rằng khái niệm sữa tiệt trùng không khuyến khích phát triển nguồn sữa tươi nguyên liệu một cách bền vững, thậm chí có dấu hiệu bảo hộ các DN sản xuất sữa nước từ sữa bột, ảnh hưởng tới mục tiêu của ngành nông nghiệp về phát triển đàn bò sữa và sản lượng sữa tươi, làm tổn hại đến lợi ích của người chăn nuôi và DN sản xuất, chế biến sữa tươi.

Trước đó, tại các hội thảo bàn về sửa lại khái niệm sữa, nhiều kiến nghị cũng cho rằng phân loại như vậy sẽ giúp thị trường được minh bạch hơn, giúp người tiêu dùng hiểu được bản chất của từng loại sữa chứ không còn tình trạng nhập nhèm. Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, nhìn nhận lâu nay, tại thị trường Việt Nam, sữa hoàn nguyên vẫn ghi nhãn là sữa tiệt trùng theo đúng quy chuẩn năm 2010 khiến người tiêu dùng tưởng đó là sữa tươi trong khi bản chất, tác dụng, giá trị dinh dưỡng của từng loại sữa khác nhau hoàn toàn, giá cả cũng khác nhau một trời một vực. Vì thế, phân loại thế nào, gọi tên ra sao để phản ánh đúng bản chất của mặt hàng đó là rất cần thiết, không để người tiêu dùng hiểu sai về bản chất, công dụng của hàng hóa. Lãnh đạo Cục An toàn thực phẩm cũng thừa nhận yêu cầu đầu tiên khi sửa đổi quy chuẩn là phải minh bạch để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đưa ra các quy chuẩn mới phải phù hợp với điều kiện sản xuất, chăn nuôi, kinh doanh sữa ở Việt Nam và đáp ứng yêu cầu hội nhập.

Ông Trần Bảo Minh, Tổng Giám đốc Công ty CP Sữa quốc tế (IDP), cho biết ông ủng hộ việc sửa đổi, “người tiêu dùng cần biết nguồn gốc nguyên liệu sản phẩm mình mua là sữa tươi hay sữa bột hoàn nguyên. Còn quyết định mua loại nào là quyền của họ”.