Khám phá mới từ cấu trúc gỗ 7.000 năm tuổi

Các nhà khảo cổ thuộc Đại học Tổng hợp Pardubice (Czech) mới đây phát hiện một cấu trúc bằng gỗ (trong ảnh) thuộc thời kỳ đồ đá mới, có niên đại khoảng 7.000 năm tuổi. Đây được coi là một trong những cấu trúc bằng gỗ lâu đời nhất trên thế giới.

Khám phá mới từ cấu trúc gỗ 7.000 năm tuổi

Đây là cấu trúc bằng gỗ thứ ba từ thời kỳ đồ đá mới được tìm thấy ở Czech trong vòng bốn năm qua. Nó có thiết kế hình vuông, được những người dân xây dựng bằng chất liệu gỗ sồi. Theo các nhà nghiên cứu, việc xác định nguồn gốc và niên đại của nó dựa vào phương pháp phân tích các lớp vân bên trong thân gỗ.

“Chúng tôi đã trục vớt cấu trúc cổ này và phát hiện nó được bảo tồn trong điều kiện tốt vì đã nằm dưới nước trong nhiều thế kỷ. Hiện tại, chúng tôi phải giữ nguyên độ ẩm như thế, nếu không nó sẽ bị hư hỏng”, ông Karol Bayer, Trưởng Khoa Phục chế của Đại học Pardubice cho biết. Bên cạnh đó, các nhà nghiên cứu của Czech cũng đang phát triển một quy trình vừa làm khô gỗ và bảo quản cấu trúc này không bị biến dạng.

Cấu trúc gỗ có chiều cao 140 cm và kích thước các cạnh là 80x80 cm. Di tích được tìm thấy trong quá trình xây dựng đường cao tốc gần thị trấn Ostrov (Czech). Thiết kế của cấu trúc này đã làm sáng tỏ một số kỹ năng, kỹ thuật xây dựng tiên tiến của con người thời đại đồ đá mới. Cấu tạo của nó cũng chỉ ra rằng bất kỳ ai từng chế tạo nó đều có khả năng xử lý bề mặt các thân cây với độ chính xác đáng kinh ngạc, mặc dù trong điều kiện chỉ sử dụng các công cụ làm từ đá, xương hoặc gỗ.

“Hình dạng còn lại của cấu trúc và dấu vết tạo tác từ công cụ bảo tồn trên bề mặt của gỗ đã khẳng định các kỹ năng mộc tinh vi của những người thợ thời kỳ đồ đá mới”, các nhà khảo cổ Czech khẳng định.