Kenya “mạnh tay” với túi nylon

Từ cuối tháng 8 vừa qua, chính quyền Kenya bắt đầu thực thi luật quy định phạt tiền hoặc thậm chí bỏ tù những cá nhân, tổ chức sản xuất, bán và nhập khẩu túi nylon. Luật mới này được coi là một nỗ lực của Kenya nhằm hạn chế sử dụng loại vật liệu gây tổn hại môi trường này.

Chính phủ Kenya khuyến khích người dân sử dụng túi tái chế. Ảnh: BLOGSPOT
Chính phủ Kenya khuyến khích người dân sử dụng túi tái chế. Ảnh: BLOGSPOT

Theo luật mới, những đối tượng vi phạm sẽ bị phạt từ 19.000 - 38.000 USD. Ngoài ra, luật này còn quy định tất cả các siêu thị, trung tâm thương mại... không được dùng túi nylon đựng hàng; khách du lịch đến Kenya phải bỏ lại túi nylon mua hàng miễn phí tại sân bay. Theo Cục Quản lý Môi trường quốc gia Kenya, luật này không áp dụng đối với chất dẻo dùng đóng gói hàng công nghiệp. Theo một báo cáo của LHQ, người dân Kenya sử dụng trung bình khoảng 100 tấn túi nylon/năm.

Sau khi luật mới được ban hành, những người bán hoa quả và rau xanh bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Thay vì dùng túi nylon, Chính phủ Kenya khuyến khích người dân nước này mang theo túi có thể tái chế khi đi mua hàng như túi làm từ giấy, túi vải, túi làm từ sợi vỏ cây...

Như vậy, Kenya cùng hơn 40 nước khác, trong đó có Trung Quốc, Hà Lan, Pháp... đã đánh thuế hoặc cấm sử dụng túi nylon. Tại Rwanda, việc sử dụng túi nylon là bất hợp pháp. Chính phủ Anh đánh thuế túi nylon từ năm 2015, khiến việc sử dụng túi nylon ở nước này giảm tới 80%. Mỹ không hạn chế việc sử dụng túi nylon, nhưng các bang như California và Hawaii cấm dùng túi không thể tiêu hủy.

Theo Chương trình Môi trường LHQ (UNEP), mỗi năm trên thế giới có tám tấn túi nylon thải ra đại dương. Với đà đó, đến năm 2050, túi nylon ở các đại dương sẽ đe dọa cuộc sống của nhiều động vật biển và ảnh hưởng nặng nề tới môi trường.