Giải pháp phân hủy nhựa

Theo CNN, mới đây, trong quá trình nghiên cứu vi khuẩn, các nhà nghiên cứu thuộc Trường đại học Portsmouth (Anh) đã chế tạo thành công loại enzyme mới có thể giúp phân hủy PET - một loại nhựa dẻo phổ biến thường được dùng sản xuất chai nhựa, thảm và quần áo dùng một lần - nhanh gấp sáu lần.

Ông John McGeehan nghiên cứu enzyme phân hủy nhựa PET. Ảnh: EUREKALERT
Ông John McGeehan nghiên cứu enzyme phân hủy nhựa PET. Ảnh: EUREKALERT

Ô nhiễm nhựa là một trong những vấn đề cấp bách của môi trường hiện nay, bởi nhựa có thể tồn tại hàng trăm năm mới có thể phân hủy. Một báo cáo gần đây của tờ The Pew Charity Trusts dự đoán, khối lượng nhựa thải ra đại dương có thể tăng lên gấp ba lần, lên tới 29 triệu tấn mỗi năm, cho tới năm 2040. 

Vì vậy, một nhóm nhà nghiên cứu đã tái thiết kế enzyme ăn nhựa PET bằng cách kết hợp nó với một enzyme thứ hai nhằm đẩy nhanh quá trình phân hủy nhựa. Việc kết nối hai enzyme có cùng chức năng đã đẩy nhanh quá trình phân hủy nhựa lên gấp sáu lần. 

Bằng việc phá vỡ cấu trúc và chia nhựa ra làm các khối nhỏ, enzyme phân hủy PET cũng có ý nghĩa trong việc tái chế nhựa. Ông John McGeehan, đồng sáng lập và là Giám đốc Trung tâm cải tiến enzyme của Trường đại học Portsmouth cho rằng, việc chế tạo enzyme ăn nhựa lần này giúp phát triển các phương pháp sử dụng enzyme để tái chế, tái sử dụng nhựa. Theo ông McGeehan, các nhà nghiên cứu đang kêu gọi tài trợ để đưa dự án tái chế nhựa tiến xa hơn và đạt được những kết quả nhất định.

Tuy vậy, ông McGeehan cũng nhấn mạnh rằng, quá trình tái chế nhựa vẫn cần thời gian để có thể đưa vào thương mại hóa. Hiện nay, các nhà nghiên cứu vẫn đang tìm cách phát triển hơn nữa enzyme phân hủy nhựa với hy vọng sẽ nhân rộng và ứng dụng nó trong việc tiêu hủy rác thải nhựa trên quy mô lớn.