Giải pháp cứu quần thể san hô Great Barrier

Nhằm cứu quần thể san hô lớn nhất thế giới Great Barrier, nằm ngoài khơi bờ biển bang Queensland (Australia) trước nguy cơ bị chết hoặc tẩy trắng do tình trạng Trái đất ấm lên, các nhà khoa học đã tiến hành thử nghiệm một phương thức mới.

Kỹ thuật tạo mây nhằm cứu rạn san hô Great Barrier. Ảnh: NEW ATLAS
Kỹ thuật tạo mây nhằm cứu rạn san hô Great Barrier. Ảnh: NEW ATLAS

Theo Japan Times, Australia vừa trải qua mùa hè nóng kỷ lục khiến nạn cháy rừng bùng phát hơn 12 triệu ha đất, làm 33 người thiệt mạng và thiêu rụi hơn một tỷ động vật bản địa. Nắng nóng gay gắt khiến nhiệt độ nước biển tại Australia tháng 2 vừa qua được ghi nhận ở mức cao kỷ lục kể từ khi các nhà khoa học bắt đầu thu thập dữ liệu vào năm 1990. Nhiệt độ tăng cao đã khiến nhiều rạn san hô quý hiếm tại quần thể Great Barrier bị chết hoặc tẩy trắng hàng loạt.

Trước tình hình kể trên, các nhà khoa học Australia đã thử nghiệm biện pháp tạo mây nhân tạo trên biển. Theo đó, các nhà khoa học đã tiến hành phun những giọt nước biển siêu nhỏ vào phần không khí phía trên các rạn san hô. Các giọt nước sau đó sẽ bay hơi chỉ để lại những tinh thể muối, sau đó hơi nước sẽ ngưng tụ chung quanh tạo thành những đám mây tạo bóng râm cho các rạn san hô bên dưới. Đây là một trong những kỹ thuật làm mát có hiệu quả nhanh chóng, tuy nhiên chỉ có tác dụng trong thời gian ngắn.

GS Daniel Harrison, người đứng đầu dự án cho biết: “Việc tạo mây có thể phần nào làm hạ nhiệt độ nước biển, dù chỉ trong thời gian ngắn cũng đủ để giúp ngăn chặn việc san hô bị chết hoặc tẩy trắng”. Nhóm dự định thử nghiệm công nghệ này với quy mô lớn hơn trên khu vực có diện tích khoảng 400 km² trong một năm tới.

Giải pháp này đã nhận được những đánh giá tích cực từ giới chuyên môn trong thời gian thử nghiệm. Giới chức và người dân Australia hy vọng việc tạo mây sẽ có thể cứu quần thể san hô trải dài hơn 2.400 km, mỗi năm thu về bốn tỷ USD cho ngành du lịch tại “xứ sở kangaroo”.