Đức thử nghiệm đường ray chống nóng

Sau những đợt nắng nóng liên tiếp trong mùa hè, Công ty đường sắt công Deutsche Bahn của Đức đang thử nghiệm giải pháp sơn mầu trắng cho hệ thống đường ray, bảo vệ chúng khỏi bị hư hại vì nắng nóng.

Đường ray được sơn mầu trắng tại Đức. Ảnh: WORLD NEWS
Đường ray được sơn mầu trắng tại Đức. Ảnh: WORLD NEWS

Các chuyên gia cho biết, do thép nở ra trong môi trường nhiệt độ cao nên xu hướng các mùa hè nóng hơn và kéo dài hơn có thể làm hư hại hệ thống đường ray. Các thử nghiệm ban đầu cho thấy đường ray mầu trắng phản xạ lại nhiều ánh sáng hơn khiến chúng ít bị tăng nhiệt hơn loại thông thường. Công ty đường sắt CFF của Thụy Sĩ cũng đã thử nghiệm sơn trắng đường ray, bên cạnh việc tưới nước mát nhằm giảm tác động của nắng nóng. Các lựa chọn khác của Deutsche Bahn bao gồm tăng cường trồng cây dọc đường ray để lấy bóng mát, áp dụng các giải pháp công nghệ cao như sử dụng chất keo dùng trong hàng không để tăng độ kết dính mối nối giữa các thanh ray.

Một tuyên bố của Deutsche Bahn cho biết, các thử nghiệm trong mùa hè vừa qua đã giúp cho các đường ray mát hơn. Công ty sẽ mở rộng giải pháp này trên tuyến đường sắt cao tốc nối thành phố Hanover ở miền bắc với Wuerzburg ở miền trung. Đây là một trong những tuyến đường sắt đông đúc nhất nước này, nên yêu cầu về bảo đảm tuổi thọ và tính an toàn của hệ thống đường ray được đặt lên hàng đầu.

Khả năng thích ứng với giao thông mật độ cao của loại sơn thân thiện môi trường này cũng sẽ được thử nghiệm trên một cây cầu cao 61 m gần Melsungen, tại bang Hesse. Deutsche Bahn cho biết, trong vòng một năm, kết quả thử nghiệm sẽ tạo cơ sở cho việc mở rộng dự án đối với các tuyến đường khác.

Ngoài Đức, một số quốc gia khác cũng đã thử nghiệm nhiều biện pháp nhằm giảm sức hấp thụ nhiệt của hệ thống đường bộ. Thành phố Los Angeles (bang California, Mỹ) là nơi đầu tiên thử nghiệm công nghệ dùng sơn phản quang sơn đường để chống nóng cho đường phố. Trong khi đó, chính quyền thành phố Doha (Qatar) đang thử nghiệm phương pháp sơn mặt đường thành mầu xanh da trời để hạ nhiệt, giúp người dân hoạt động ngoài trời lâu hơn.