Công nghệ phục vụ cuộc sống

Trên thế giới, việc xây dựng các thành phố thông minh thường tập trung vào phát triển công nghệ để tăng hiệu quả. Còn tại Nhật Bản, giới chức nước này đang triển khai kế hoạch xây dựng những thành phố thông minh lấy con người làm trung tâm, được gọi là “Xã hội 5.0”. 

Một dự án thí điểm thành phố thông minh tại Nhật Bản. Ảnh: EURONEWS
Một dự án thí điểm thành phố thông minh tại Nhật Bản. Ảnh: EURONEWS

Aizuwakamatsu là thị trấn có bề dày lịch sử ở tỉnh Fukushima, là nơi sinh sống của hơn 118.000 cư dân. Địa phương này đã được chọn làm nơi thí điểm mô hình xã hội thông minh lấy con người làm trung tâm. Theo đó, thị trấn đã phát triển những nền tảng công nghệ để hỗ trợ các hoạt động của cư dân, đồng thời chú trọng nâng cao chất lượng cuộc sống. Các ứng dụng công nghệ thông tin hiện nay đang được sử dụng rộng rãi để thanh toán trên điện thoại di động, thanh toán tự động hóa đơn điện, nước… song song nâng cao chất lượng các dịch vụ số. 

Điểm độc đáo nhất của thị trấn chính là hệ thống thu thập thông tin nền tảng để hỗ trợ tất cả các loại dịch vụ số, đồng thời giúp tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường. Chẳng hạn như mạng lưới bật, tắt đèn đường tự động hay hệ thống camera giúp cha mẹ theo dõi đường đi học của trẻ em và nhận thông tin cập nhật theo thời gian thực về chuyển động của đối tượng. 

Ngoài ra, hệ thống thu thập chỉ số sức khỏe của người dân là một trụ cột quan trọng trong kế hoạch phát triển Aizuwakamatsu. Ông Inomata Tomiei (62 tuổi) đã đồng ý chia sẻ dữ liệu từ đồng hồ thông minh cho dự án thử nghiệm chăm sóc sức khỏe của thị trấn. Ông cho biết rất vui vì dữ liệu y tế của mình đang được sử dụng một cách hữu ích, phục vụ nghiên cứu khoa học và nâng cao sức khỏe cộng đồng. 

Theo ông Akamura Shojiro tại Trung tâm đổi mới Accenture Fukushima, việc phân tích các dữ liệu sức khỏe được đánh giá là giải pháp then chốt để nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, qua đó phát triển Xã hội 5.0. Khi một người dân đồng ý cung cấp dữ liệu của họ trên cổng thông tin điện tử của thị trấn thì các dịch vụ sẽ được điều chỉnh để trở nên phù hợp hơn theo dữ liệu đó. “Càng nhiều người dân địa phương đồng ý chia sẻ dữ liệu thì tác động của công nghệ hỗ trợ cộng đồng càng tốt hơn”, ông Shojiro cho biết.