Chế tạo hydro từ vi khuẩn

Ngày 24-3 vừa qua, hai nhà khoa học Inês Cardoso Pereira và Mónica Martins của Viện Công nghệ Hóa học và Sinh học António Xavier (ITQB), Đại học Nova de Lisboa (Bồ Đào Nha) đã công bố hệ thống tạo hydro từ vi khuẩn.

Hệ thống sản xuất hydro từ vi khuẩn. Ảnh: ASSAHIFA
Hệ thống sản xuất hydro từ vi khuẩn. Ảnh: ASSAHIFA

Hydro được dự báo là nguồn năng lượng sạch trong tương lai, có khả năng thay thế năng lượng hóa thạch truyền thống, từ đó làm giảm lượng khí CO₂ từ các hoạt động công nghiệp, giao thông vận tải... Nhằm nâng cao năng lực sản xuất loại năng lượng này, một bước tiến quan trọng đã được hai nhà khoa học Inês Cardoso Pereira và Mónica Martins của ITQB công bố trong một báo cáo mới đây. Trong đó, nghiên cứu giới thiệu hệ thống điều chế hydro bằng Desulfovibrio desulfuricans, một loại vi khuẩn phổ biến trong đất và môi trường biển.

Nhà nghiên cứu Mónica Martins cho biết: “Các hạt nano siêu nhỏ do Desulfovibrio desulfuricans tạo ra sẽ hấp thụ ánh sáng và giúp vi khuẩn sản xuất hydro. Hệ thống sinh học này là một ứng cử viên sáng giá cho việc phát triển một nguyên mẫu lò phản ứng sinh học tạo ra năng lượng hydro”. Về cơ bản, vi khuẩn là chất xúc tác mà công nghệ sinh học sử dụng để sản xuất hydro. Nhà khoa học Inês Cardoso Pereira tiết lộ thêm rằng, các nghiên cứu về việc sử dụng vi khuẩn để sản xuất hydro đã ở giai đoạn tiên tiến hơn.

“Chúng ta chỉ cần nuôi vi khuẩn và cung cấp cho chúng ánh sáng, có thể kết hợp hệ thống sinh học này với nhiều vật liệu tổng hợp có khả năng hấp thụ lượng lớn năng lượng Mặt trời để sản xuất nhiều hydro hơn”, bà Inês Cardoso Pereira phân tích.

Hai nhà nghiên cứu cũng khẳng định, sự kết hợp của vi sinh vật với các vật liệu hấp thụ ánh sáng là một cách tiếp cận rất hứa hẹn để tạo ra nhiên liệu bền vững với chi phí thấp. Quy trình này không cần dùng đến các chất xúc tác kim loại hiếm và đắt tiền.