Tự hào là người lính Trường Sơn

Suốt cuộc đời binh nghiệp của mình, đôi chân ông không chỉ in dấu trên khắp các nẻo đường Trường Sơn mà trí tuệ, công sức, tên tuổi của ông còn gắn liền với nhiều công trình mang tầm chiến lược ở khu vực Tây Nguyên…

Chủ tịch Hội Truyền thống Trường Sơn tỉnh Đác Lắc Lê Xuân Bá trao tặng sổ tiết kiệm tình nghĩa cho ba hội viên có hoàn cảnh khó khăn sinh sống trên địa bàn tỉnh Đác Lắc nhân kỷ niệm 60 năm Ngày truyền
Chủ tịch Hội Truyền thống Trường Sơn tỉnh Đác Lắc Lê Xuân Bá trao tặng sổ tiết kiệm tình nghĩa cho ba hội viên có hoàn cảnh khó khăn sinh sống trên địa bàn tỉnh Đác Lắc nhân kỷ niệm 60 năm Ngày truyền

Bước chân khắp nẻo Trường Sơn...

Một ngày giữa tháng 5, chúng tôi tìm đến ngôi nhà nhỏ của Đại tá, Anh hùng Lao động Lê Xuân Bá, Nguyên Sư đoàn trưởng Sư đoàn 470 (Binh đoàn 12), nằm trên đường Nguyễn Văn Cừ, phường Tân Lập, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đác Lắc để nghe ông kể về những năm tháng mở đường Trường Sơn chi viện cho chiến trường miền nam.

Sinh năm 1935, quê ở tỉnh Thanh Hóa, năm 1953, khi bước sang tuổi 18, Lê Xuân Bá xung phong đi bộ đội. Nhập ngũ chưa kịp tham gia khóa huấn luyện nào, Lê Xuân Bá được biên chế về Đại đội 34 Công binh, Tiểu đoàn 18, Đại đoàn 308 - Đại đoàn Quân Tiên phong. Trở thành chiến sĩ công binh, Lê Xuân Bá cùng với các chiến sĩ trong đơn vị trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ với nhiệm vụ đào chiến hào, giao thông hào, hầm chỉ huy cho Bộ Chỉ huy Chiến dịch. Những năm sau đó, Lê Xuân Bá tiếp tục công tác tại Đại đoàn 308, thực hiện nhiệm vụ nuôi quân, huấn luyện... tại An toàn khu Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên.

Từ năm 1964 đến đầu năm 1970, Lê Xuân Bá kinh qua các cương vị Trung đội trưởng, Đại đội trưởng, Tiểu đoàn trưởng các đơn vị thuộc Trung đoàn 98, sau đó làm Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 1, Binh trạm 37 (Đoàn 559). Ngày 15-4-1970, tại khu rừng Nậm Pa, thuộc tỉnh A-tô-pư, Nam Lào, Sư đoàn 470 (Đoàn 559) thành lập, Lê Xuân Bá được cấp trên điều động về Trung đoàn 4 Công binh. Trong đội hình của Sư đoàn 470, từ năm 1970 đến tháng 4-1975, Trung đoàn 4 Công binh dưới sự chỉ huy của Trung đoàn trưởng Lê Xuân Bá đã lập nhiều chiến công trong việc mở đường Trường Sơn.

Một trong những chiến công lớn trong cuộc đời binh nghiệp của mình, Đại tá Lê Xuân Bá luôn nhớ mãi. Đó là trong hơn 20 ngày đêm cuối tháng 3, đầu tháng 4-1973, Trung đoàn 4 Công binh, Sư đoàn 470 (Đoàn 559) dưới sự chỉ huy của Trung đoàn trưởng Lê Xuân Bá, đơn vị đã hoàn thành xây dựng một gầm và một cầu phà dài 100 m vượt sông Sê-rê-pốc tại xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đác Lắc. Đây là một trong những phần việc khó nhất trên tuyến đường Trường Sơn từ Nam Tây Nguyên đến chiến trường B2 tại Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước. Trong quá trình xây dựng, địch đã nhiều lần mở các đợt tiến công ngăn chặn khiến 57 chiến sĩ của Trung đoàn và Tiểu đoàn Bộ binh 21 thuộc Sư đoàn 470 đã anh dũng hy sinh. Nhưng gầm và cầu phà hoàn thành đã giúp các đoàn xe tăng, thiết giáp, xe cơ giới các đơn vị bộ đội chủ lực cấp tốc tiến về các tỉnh Đông Nam Bộ tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh, thống nhất đất nước.

Với thành tích đặc biệt đó, ngày 3-6-1976, Sư đoàn 470 và Trung đoàn 4 Công binh được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Tự hào là người lính Trường Sơn ảnh 1

Đại tá, Anh hùng Lao động Lê Xuân Bá giới thiệu bức ảnh các đồng chí lãnh đạo Bộ Quốc phòng vào kiểm tra công tác mở đường Trường Sơn năm 1973 đoạn qua tỉnh Đác Lắc.

Anh hùng giữa thời bình

Sau ngày giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước, Lê Xuân Bá ở lại Trung đoàn 4 Công binh, Sư đoàn 470 bám trụ, làm nhiệm vụ khôi phục hệ thống cầu, đường, hàn gắn vết thương chiến tranh ở Tây Nguyên, trong đó trọng tâm là sửa chữa đường giao thông và tham gia truy quét tàn quân Fulrô. Ông nhớ lại: “Những ngày đầu mới giải phóng, đường sá, cầu cống đều bị địch đánh phá, hư hỏng nặng nề. Bên cạnh đó, lực lượng tàn quân Fulrô vẫn còn ẩn náu tại nhiều buôn làng ở Tây Nguyên. Vì vậy, đơn vị được giao nhiệm vụ tập trung làm đường, hàn gắn vết thương chiến tranh và phối hợp các lực lượng truy quét tàn quân Fulrô trên địa bàn Tây Nguyên”.

Thực hiện nhiệm vụ được giao, Lê Xuân Bá cùng tập thể chỉ huy Sư đoàn 470 lãnh đạo đơn vị mở rộng nhiều tuyến đường cấp phối, đường rải nhựa, xây dựng cầu, cống bảo đảm kỹ thuật, chất lượng tốt… góp phần nâng cấp hệ thống giao thông ở Tây Nguyên thông suốt. Năm 1982, Lê Xuân Bá được bổ nhiệm đại tá và làm Sư đoàn trưởng Sư đoàn 470 (Binh đoàn 12). Giai đoạn này đơn vị thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau, trong đó tham gia xây dựng các công trình lớn, mang tính đột phá ở khu vực Tây Nguyên. Thời điểm đó, nhu cầu điện năng của tỉnh Đác Lắc rất lớn. Nhưng cả tỉnh có duy nhất một nhà máy phát điện chạy dầu diezen, công suất 6.000 KW nên chỉ phục vụ cho sinh hoạt tại các phường trung tâm thị xã Buôn Ma Thuột.

Năm 1984, trong hoàn cảnh ấy, tỉnh Đác Lắc đã quyết định đầu tư xây dựng Thủy điện Đray H’linh trên sông Sê-rê-pốc nhưng không tìm được đơn vị thi công, bởi gặp nhiều trở ngại. “Mặc dù Sư đoàn 470 là đơn vị Công binh chỉ quen làm cầu đường, chưa có kinh nghiệm trong xây dựng công trình thủy điện. Nhưng Bí thư Tỉnh ủy Đác Lắc thời điểm đó là ông Y Ngông Niê Kđăm đã tin tưởng và mạnh dạn giao cho Sư đoàn 470 thi công Thủy điện Đray H’linh. Bí thư Tỉnh ủy Đác Lắc đã trực tiếp gặp tôi để giao nhiệm vụ”, Đại tá Lê Xuân Bá nhớ lại.

Được sự chấp thuận của Bộ Tư lệnh Binh đoàn 12, Đảng ủy, Chỉ huy Sư đoàn 470 đã xây dựng quyết tâm đảm nhận Tổng thầu xây dựng công trình Thủy điện Đray H’linh. Công trình được khởi công ngày 30-4-1985 và khánh thành, phát điện sáu năm sau đó. Trong thời gian thi công Thủy điện Đray H’linh, những người lính Sư đoàn 470 vừa phải canh phòng bảo vệ từ các vòng ngoài do Fulrô phá hoại, vừa làm việc trong điều kiện cuộc sống sinh hoạt kham khổ, thiếu thốn; công cụ, phương tiện thi công chủ yếu thô sơ với cuốc, xẻng, xà-beng, búa, khoan tay và thuốc nổ. Nhưng cán bộ, kỹ sư, nhân viên kỹ thuật, chiến sĩ Sư đoàn 470 đã hoàn thành một khối lượng công việc đồ sộ, với nhiều sáng kiến. Với chiến công ấy, ngày 29-11-1990, Sư đoàn 470 và cá nhân Sư đoàn trưởng Lê Xuân Bá được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động.

Xong công trình Thủy điện Đray H’linh, Đại tá, Anh hùng Lao động Lê Xuân Bá cùng đơn vị lại tiếp tục tham gia thực hiện những công trình trọng điểm của đất nước như: Xây dựng công trình Thủy điện Ya Ly, tỉnh Gia Lai; đường dây 500 kV Bắc-Nam; Thủy điện Buôn Kuốp, quốc lộ 14… Ở công trình nào, Đại tá Lê Xuân Bá cùng đơn vị luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy tinh thần kiên cường, dũng cảm của người lính “Bộ đội Cụ Hồ”, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Trong căn nhà nhỏ của mình, Đại tá Lê Xuân Bá lục lại những tấm ảnh cũ mà ông chụp cùng đồng đội trong những ngày mở đường Trường Sơn và đón các đồng chí lãnh đạo Bộ Quốc phòng vào kiểm tra trong những năm 1973-1974, thời điểm tăng cường chi viện cho tiền tuyến, chuẩn bị cho chiến dịch Hồ Chí Minh. Tự hào là người lính Trường Sơn, song điều mà ông luôn trăn trở, nghĩ suy là vẫn còn những đồng đội nằm lại vĩnh viễn trên đường Trường Sơn hiện vẫn chưa tìm thấy mộ, không ít cựu chiến binh nguyên là cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Trường Sơn hiện đang sinh sống trên địa bàn tỉnh, nhiều người trong số họ đã để lại một thần thân thể, xương máu của mình trên tuyến đường Trường Sơn cuộc sống hiện nay gặp nhiều khó khăn… Đó là những nhiệm vụ mà ông và các đồng đội của mình cần phải chung tay cùng xã hội nỗ lực giải quyết.

Năm 2017, Đại tá Lê Xuân Bá cùng hội viên Hội Truyền thống Trường Sơn tỉnh Đác Lắc khảo sát, tìm lại dấu mốc lịch sử năm xưa. Đồng thời vận động kinh phí, xây dựng Bia di tích đường Trường Sơn, ghi công 57 liệt sĩ hy sinh khi xây bến phà, ngầm vượt sông Sê-rê-pốc vào đầu năm 1973 tại xã Krông Na, huyện Buôn Đôn. Với 879 hội viên Hội Truyền thống Trường Sơn trên địa bàn tỉnh Đác Lắc, đồng chí Lê Xuân Bá - Chủ tịch Hội Truyền thống Trường Sơn tỉnh Đác Lắc luôn quan tâm, tìm cách hỗ trợ, giúp đỡ đồng đội ổn định cuộc sống. Trong những năm qua, ông cùng tổ chức hội vận động, hỗ trợ xây nhà tình nghĩa cho 14 hội viên; khích lệ, động viên 43 hội viên vươn lên sản xuất, kinh doanh giỏi.