Trong tiếng sóng của dòng sông lịch sử

Nhật Lệ trữ tình trong vẻ đẹp của sóng êm và cuộc sống mới, là một nét vẽ tuyệt vời tạo hóa đã tạc vào thành phố Đồng Hới (Quảng Bình). Trong dòng chảy thao thiết của thời gian, những dấu tích của dòng sông lịch sử kiêu hùng vẫn hằn in trên từng thớ đất, dáng người.

Bên tượng đài mẹ Suốt.
Bên tượng đài mẹ Suốt.

Chạm vào quá khứ

Đã bao lần tôi ao ước được khám phá những dòng sông ở Quảng Bình. Trong ba con sông nổi tiếng là sông Gianh, Nhật Lệ và sông Dinh, thì Nhật Lệ là dòng huyền sử, gắn với nhiều chiến công oanh liệt trong những cuộc nam chinh của các triều đại phong kiến Việt Nam, rồi cả sự oai hùng trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, cứu nước. Tôi đã thỏa ao ước, bởi trong những ngày tháng Tư lịch sử, được trở lại nơi cuối sông đầu biển, để vui mừng ngưỡng mộ sự phát triển của thành phố Đồng Hới, bán đảo Bảo Ninh và ngợp trong sự đồng hiện quá khứ, hiện tại và tương lai.

Đây di tích thành cổ Đồng Hới soi bóng. Kia là Lũy Thầy - một công trình lũy quân sự được Đào Duy Từ chỉ huy xây dựng từ năm 1630 theo lệnh chúa Nguyễn nhằm bảo vệ Đàng Trong trước các cuộc tiến công của chúa Trịnh. Đây - Nhà thờ giáo xứ Tam Tòa, có nguồn gốc từ xứ đạo Ðông Hải, một trong những xứ đạo đầu tiên trong lịch sử Công giáo tại Việt Nam. Bên kia là Lũy Trường Sa (hay còn gọi là Trường Sa cát lũy) - Di tích từ thế kỷ 16, vừa chống địch vừa chống thiên tai, để ngư dân từ đó yên tâm lao động sản xuất.

Theo “Đại Việt sử ký toàn thư” của Lê Văn Hưu, cái tên Nhật Lệ xuất hiện vào khoảng thế kỷ 11. Tên sông Nhật Lệ có nghĩa là “sự rực rỡ của ánh sáng mặt trời” đã được ngợi ca trong câu thơ cổ của Hồ Thiên Du “nhật chi lệ bất vô chi chúc giả” (nghĩa là sự rực rỡ của ánh sáng mặt trời thì không nơi nào là nó không chiếu đến được).

Nhớ người mẹ can trường

Còn nhớ cách đây chỉ 20 năm, bán đảo Bảo Ninh được hình thành bởi đoạn cuối sông Nhật Lệ và Biển Đông chỉ là một vùng cát chậm phát triển. Nhiều giáo viên ngày đó còn sợ nếu phải “sang sông” dạy học, do điều kiện thiếu thốn như điện, đường, trường và trạm, nước ngọt. Làng Mỹ Cảnh bây giờ có những cung đường đẹp, đường gon ven sông cũng gợi vẻ trữ tình, giúp khách xa và người dân địa phương có những buổi chiều ngắm cảnh trong yên bình.

Đứng từ bến đò Nhật Lệ (bến cũ, nằm ở bán đảo) dõi mắt ngang sông chỉ một cây số là thấy tượng đài mẹ Suốt - một biểu tượng cho người phụ nữ Quảng Bình gan dạ, yêu nước. Lịch sử Quảng Bình ghi rõ: Năm 1964, sau sự kiện Vịnh Bắc Bộ, đế quốc Mỹ đưa quân đánh phá miền bắc. Miền đất Quảng Bình là một trong những trọng điểm đánh phá của máy bay và hải quân Mỹ, với mục đích nhằm ngăn chặn việc chi viện của miền bắc cho miền nam. Năm đó, mẹ Suốt đã 60 tuổi nhưng vẫn xung phong nhận công việc chèo đò chở cán bộ, thương binh và vũ khí qua sông, giữ vững thông tin liên lạc giữa hai bờ. Trong suốt những năm 1964 đến 1966, mẹ chèo hàng trăm lượt đò ngay cả những lúc máy bay Mỹ ném bom oanh tạc ác liệt. Mẹ được những người cán bộ và bà con địa phương gọi với tên quen thuộc mẹ Suốt. Đến hôm nay, những cựu chiến binh, người dân ngày đó vẫn không thể lý giải và hiểu nổi vì sao giữa “nước sôi, đạn bỏng” mà mẹ Suốt vẫn anh dũng xông pha và hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc đến thế. Chiến công của mẹ Suốt cùng bao chiến công thầm lặng khác của quân và dân Đồng Hới đã lập nên một kỳ tích vang dội: Trong hai ngày 7 và 8-2-1965, quân dân Đồng Hới đã bắn rơi 14 máy bay Mỹ. Từ ngày 14-2 đến 28-4-1965, năm tàu chiến Mỹ bị bắn chìm tại biển Nhật Lệ. Ngày 1-1-1967, mẹ Suốt được phong tặng danh hiệu Anh hùng ngành Giao thông vận tải. Ngày 11-10-1968, ở bến đò Nhật Lệ, mẹ Suốt hy sinh trong một trận bom bi oanh tạc của Mỹ. Mẹ Suốt đã được người dân và chính quyền địa phương dựng tượng đài, lấy tên mẹ đặt cho con đường nối từ Quảng Bình quan đến bờ sông Nhật Lệ.

Cách tượng đài mẹ Suốt chừng 100 m là chợ Đồng Hới, khu chợ lớn nhất nơi đây góp phần vào sự phát triển chung của thành phố, cũng là nơi con gái mẹ Suốt - o Huế (bà Trần Thị Huế) mấy chục năm qua bán dưa muối để sinh nhai. Mẹ Suốt có bốn người con, một trai ba gái thì o Huế là người giống mẹ nhất. Nhiều khách khi đến Đồng Hới đều hỏi thăm và tìm gặp bằng được o Huế để tâm sự. O Huế không nhớ mình đã bắt đầu bán dưa cà ở chợ này từ bao giờ. Dường như là 30 năm. 30 năm ấy mấy thùng dưa muối nhỏ ở chợ giúp o nuôi sống cả gia đình mấy miệng ăn. Giờ đây những món dưa muối, bầu muối, dưa hấu bao tử muối của o nổi tiếng khắp thành phố Đồng Hới. Nhưng o càng nổi tiếng thì lưng càng còng xuống - mà o cho biết, là do ngồi nhiều và “bệnh” vất vả mà thành. “Ngày trước, tui phải ngồi ngoài chỉ có tấm bạt che tạm, chẳng tránh được nắng mưa. Sau đó, vì được ưu tiên là con gái mẹ Suốt, tui được xếp ngồi vào bên trong chợ, lối đi tiện lợi nên đông khách”, o Huế tâm sự.

Cuối chiều, trong căn nhà cấp 4 ở làng Trung Bính (xã Bảo Ninh), o Huế gợi cho chúng tôi ký ức về mẹ Suốt. Hơn 50 năm qua, biết bao vật đổi sao dời, o Huế cũng đã có cháu. O chỉ nhìn mặt mình qua gương mà nhớ về gương mặt mẹ đã mờ nhòe theo thời gian. Nhưng sức mạnh của người mẹ can trường vẫn hằn in trong tâm khảm o. O Huế hồi tưởng: “Sau khi mẹ mất, tui đi học, nghe cô giáo đọc và giảng bài thơ “Mẹ Suốt” của nhà thơ Tố Hữu, tui ngồi trong lớp mà òa khóc hỏi: Cô ơi, sao cô cứ nhắc đến tên mẹ em thế? Những lúc nghe bài thơ đó, hay nghe ai đó nhắc đến tên mẹ, tui chỉ muốn khóc”.

O Huế có người chị gái là bà Trần Thị Thái - người con gái noi gương mẹ, trở thành nữ dân quân hỏa tuyến cừ khôi từ năm 1968 đến 1972. Bản thân o và em gái là bà Trần Thị Loan cũng tích cực làm dân quân, tăng gia sản xuất từ khi thống nhất đất nước. Sau này, o Huế lập gia đình. Cả gia đình sống bám vào nghề chài lưới. Cách đây hơn chục năm, với ước mong có cuộc sống khá hơn, chồng o Huế đã vay thêm tiền ngân hàng, vay chủ buôn cá để đầu tư chiếc tàu đánh cá 120 triệu đồng. Kém may thay, tàu đánh cá được vài vụ, chưa kịp có tiền trả nợ thì gặp bão, nên bị nhấn chìm ngoài khơi. Chồng và ba con trai o Huế thoát nạn vì được cứu kịp thời, nhưng khoản nợ thì còn đó.

O Huế đưa tay chấm mắt: “Mẹ Suốt là người mẹ dũng cảm. Mẹ không sá chi bom đạn, hy sinh. Tui chỉ là con của mẹ, mãi là đứa con bé bỏng. Còn cuộc sống, mỗi người một phận. Nhưng tui vui với cuộc sống hiện tại. Tui vui vì được là con mẹ Suốt, tự hào vì hằng ngày đi chợ đều được nhìn tượng mẹ”.

Những cây cầu tương lai

Từ hơn chục năm qua, cầu Nhật Lệ và Nhật Lệ 2 bắc qua sông, nối trung tâm Đồng Hới với xã Bảo Ninh đã giúp xã Bảo Ninh khởi sắc, dần dần trở thành khu đô thị du lịch biển. Còn nhớ, năm 2005 khánh thành cầu Nhật Lệ, người ta vẫn thắc mắc sao tỉnh Quảng Bình không xây cầu “hoành tráng” hơn? Mong muốn, đòi hỏi thì nhiều lắm, nhưng Quảng Bình là tỉnh nghèo nên cây cầu cũng mang dáng dấp “con nhà nghèo”. Dẫu thế, khi có cầu, thì đường nhựa, đường bê-tông cũng bắt đầu bò lên những gờ cát, nối các làng, các xóm trong xã nghèo Bảo Ninh, khiến cát cũng lấp lánh. Rồi 5 năm sau, cây cầu Nhật Lệ 2 trụ tháp cao vút, lớn hơn, đã bắc qua sông, để từ đó những khu nghỉ dưỡng hình thành… Tất cả đang vẽ nên bức tranh Đồng Hới sắc nét - thành phố ven biển, có sông và kênh ngòi chảy quanh. Và tất nhiên, hai cây cầu này đã bắc vào tương lai, sẽ còn thúc đẩy nền kinh tế chung của thành phố phát triển.

Thị xã Đồng Hới năm nào nay đã phát triển một cách khá êm đềm và bền vững. Hơn thế tôi cũng may mắn được chạm vào những lớp lang lịch sử vẫn còn vang vọng như sóng biển. Cả một vùng đất ở cuối sông, đầu biển, với công trình thành lũy, từ hàng thế kỷ qua đã có biết bao binh lính, chiến sĩ nằm lại dưới lòng sông. Con sông ấy vẫn dội về những đợt sóng, ngân vang như bài ca khải hoàn.